Trước đó, công trình trong khu đô thị ở quận Long Biên không khai thác được yếu tố không gian mở đặc trưng của biệt thự vườn. Hình thức cũng theo lối mòn rập khuôn, thiếu cá tính.
Trải qua sáu tháng cải tạo, các đồ khuôn đúc trang trí cũ được thay bằng những vật liệu mang yếu tố hình học để mặt tiền hiện đại, đơn giản hơn. Hệ lam gỗ đem lại diện mạo riêng cho công trình, giúp ngôi nhà kín đáo mà vẫn đảm bảo tầm nhìn từ cửa sổ các phòng ra phía đường. Hệ lam này cũng góp phần giảm nắng chiếu trực tiếp vào cửa sổ và tạo ra trong nhà những "bức tranh" từ ánh sáng tự nhiên.
Mặt tiền công trình trước và sau cải tạo. Ảnh: NGHIA Architect.
Bên trong, kết cấu cũ được thay đổi để mở không gian theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc, tạo ra tầm nhìn rộng hơn tới khu vườn bao quanh ngôi nhà.
Phòng khách thông với phòng ăn, đều hướng nhìn ra khu vườn quanh nhà. Ảnh: NGHIA Architect.
Các khoảng ban công được tận dụng làm thành những mảnh vườn nhỏ. Nhờ đó, mỗi phòng ngủ đều được tiếp cận với ánh sáng, gió trời và mở ra một khu vườn riêng thông qua cửa kính trượt. Không gian mở thoáng đãng, gần gũi với sân vườn cũng là điều sáu thành viên gia đình hài lòng nhất về công trình.
Bên cạnh việc bổ sung không gian xanh, công trình ưu tiên các vật liệu bền vững, ít sử dụng gỗ tự nhiên mà thay bằng gỗ công nghiệp cùng các loại đá nhân tạo.
Các phòng ngủ đều mở ra một mảnh vườn. Ảnh: NGHIA Architect.
Theo ý muốn của gia chủ, tầng hai được thiết kế để tăng tương tác giữa các thành viên nhưng vẫn đảm bảo sự riêng tư cần thiết. Tủ quần áo được chuyển ra bên ngoài để kết nối bố mẹ với các con.
Ngoài ra, chủ nhà và kiến trúc sư đầu tư một phòng vui chơi riêng cho trẻ. Từ phòng ngủ bên trên, các bé có thể xuống đây bằng một cầu thang thép nhỏ.
Xem thêm hình ảnh về công trình: