Những ngày gần đây, đâu đâu cũng ghi nhận câu chuyện giá đất tăng chóng mặt, người người nhà nhà có chút vốn liếng bỏ cả sản xuất để lao vào cơn sốt đất ở nhiều nơi.
Theo ghi nhận từ các sàn giao dịch BĐS, thời gian qua giá đất ở nhiều tỉnh thành bỗng chốc tăng chóng mặt. Đơn cử như ở khu vực vùng ven trung tâm Thủ đô như Đông Anh, Hoài Đức, Mê Linh, Gia Lâm có nhiều khu vực giá đất tăng phi mã trong thời gian ngắn, nhiều nơi ở Gia Lâm hay Đông Anh giá đất đã cán mốc 100 triệu đồng/m2; Hay khu vực An Khánh (Hoài Đức) giá đất đã quay về thời đỉnh điểm năm 2011; Mê Linh nhiều nơi tăng giá gấp đôi chỉ khoảng từ Tết Nguyên Đán đến nay…
Ở Long Biên, giá đất nông nghiệp được người dân giao dịch 1-1,5 triệu đồng/m2 nay được cò đất "hét" 3-5 triệu đồng/m2; giá đất mặt đường Thuý Lĩnh (Hoàng Mai) cũng có giá từ 60 triệu đến 70 triệu đồng/m2, đất trong ngõ đi ôtô được cũng được rao bán 30 triệu đến 40 triệu đồng/m2…
Một số địa phương khác ở phía Bắc cũng có giá đất tăng chóng mặt là Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang,…nhiều nơi đất nền gần các khu công nghiệp đã tăng lên mức trên 20 triệu đồng mỗi m2.
Sốt đất ở Bắc Giang
Tại Miền Trung, đất nền Đà Nẵng đang là tâm điểm săn đón của giới đầu tư khi mặt bằng giá đã xuống thấp 30-40% so với thời điểm sốt nóng vào năm 2018. Tuy nhiên, nay giá mỗi nền đất 100m2 ở Đà Nẵng đã tăng khoảng 300-400 triệu đồng so với hồi cuối 2020.
Tại khu vực phía Nam, Biên Hòa, Long Thanh thuộc Đồng Nai và khu vực TP Thủ Đức giá đất cũng tăng mạnh thời gian qua; Hiện nhiều nơi ở Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè,…cũng có giá đất tăng cao.
Trong một báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, cho thấy 2 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng; trong đó, có những khu vực giá dự án tăng trên 10% so với thời điểm đầu năm 2020. Theo nhận định của Bộ Xây dựng, hiện nay giá cả BĐS, nhất là nhà ở chưa ổn định. Nhiều khu vực, giới đầu cơ lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị để đẩy giá lên cao, thu lợi bất chính, gây bất ổn cho thị trường.
Theo Bộ này, nguyên nhân tăng giá đất ở một số nơi một phần do giới đầu cơ thổi giá khi lợi dụng thông tin về quy hoạch, xây dựng hạ tầng. Đơn cử như mới đây, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (tỉ lệ 1/5.000) được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11 nghìn hécta; thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.
Còn theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành thì giá đất tăng có nhiều nguyên nhân. Có nơi do phát triển hạ tầng đô thị đem lại, có nơi giá đất đã xuống đáy và bật lên nhưng có nơi do thồi giá khi giới đầu nậu lợi dụng thông tin về quy hoạch, đề xuất xây sân bay, siêu dự án…nhưng đa phần những nơi này đều "xì hơi" ngay chỉ trong vài ngày, đơn cử như ở Hớn Quản (Bình Phước), Thạch Thất (Hà Nội) hay Bình Châu (Vũng Tàu).
Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, chủ tịch Công ty BHS, có 5 lý do để lý giải cho cơn sốt đất đang lan rộng ở nhiều nơi:
Thứ nhất, cung tiền ra lớn và chảy vào ngành tài chính. Một điều rất lạ lùng là trong khi các ngành sản xuất, chế biến, nông, lâm, thuỷ sản, hàng không, dịch vụ du lịch ... "chết bẹp" do Covid, thì ngân hàng, chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh), tiền ảo đều báo lãi rất lớn.
Theo ông Tuyển, người dân hồ hởi đầu tư (F0) khi tìm ra nơi để kiếm tiền khác ngoài ngành nghề chính của mình. Người người mở tài khoản chứng khoán, khí thế về đến cả vùng quê. Sau khi có lãi, kênh "găm" tiền yêu thích và chắc chắn nhất lại là bất động sản. Dựa vào suy luận này, chúng ta có thể thấy thị trường bất động sản khắp nơi đều đang có tín hiệu tốt.
Thứ hai, nguồn cung dự án không nhiều. Cả Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh thành phố lớn năm 2020 có lẽ không quá 20 dự án được cấp chủ chương đầu tư. Hàng mới hầu như không có, hàng cũ vì vậy có cơ hội bán ra và tăng giá. Nhân cơ hội này, bất động sản các tỉnh lẻ bắt đầu lên ngôi do giá thấp và được các chủ đầu tư lớn chạy về bắt tay "lập quy hoạch".
Thứ ba, hạ tầng giao thông tốt và phương tiện cá nhân tăng mạnh. Trong 5 năm qua, số lượng ô tô ở Việt Nam tăng bằng 1.000 năm trước đó, tổng đạt gần 4 triệu xe. Cao tốc và nâng cấp quốc lộ khiến việc đi lại rất thuận tiện, là tiền đề của phát triển kinh tế và kỳ vọng phát triển kinh tế. Vì vậy, các nhà đầu tư có cơ hội tìm được những điểm trũng của thị trường để đầu tư một cách nhanh chóng.
Thứ tư, thông tin quy hoạch. Chưa bao giờ các tỉnh đề xuất làm sân bay nhiều như bây giờ. Hiện tại, Việt Nam có 22 sân bay trong đó có 10 sân bay quốc tế. Sắp tới nếu được Chính phủ phê duyệt thì có thể 1/2 số tỉnh của ta sẽ có sân bay. Không hiểu mức độ cần thiết và tác dụng của sân bay thế nào tới kinh tế, nhưng trước mắt đây là lý do để người dân mua bán đất. Bên cạnh đó, cao tốc rồi thông tin quy hoạch các thành phố mới, thành phố vệ tinh cũng làm giá đất tăng cao.
Thứ 5, đó là việc người dân đã quen và tự thiết lập trạng thái bình thường mới với Covid-19. Sự xuất hiện của Covid-19 không còn gây trạng thái hoảng loạn cho người dân.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Tuyển thì trạng thái thị trường sẽ không xấu đi ít nhất trong 1 năm tới, nhưng sốt nóng có thể gây ra nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư khi các cơ quan chức năng tăng cường rà soát đất đai, lãi suất có thể tăng, nhà đầu tư F0 khi đã yên vị trong đất và hết khả năng mua tiếp, dẫn đến thị trường đói vốn hơn và sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh. Vị này cho rằng, với trạng thái thị trường như hiện nay BĐS vẫn là kênh đầu tư hút dòng tiền lớn, tuy nhiên, các nhà đầu tư nên thận trọng khi lựa chọn sản phẩm và nghiên cứu kỹ pháp lý cẩn thận và không tham vì rủi ro là không nhỏ.