TIN TỨC NỔI BẬT

Bất động sản công nghiệp: Phân khúc có sức hút bậc nhất năm 2019
admin - 2020-06-15 14:07:26 - custom.view 1372

"Sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố: chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi...". Đây là nhận định của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019 do CIEM phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 23/4 tại Hà Nội.


Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, bất động sản công nghiệp đang là phân khúc hấp dẫn nhất trong năm 2019. Trong xu thế thị trường bất động sản sẽ đi vào trật tự và ổn định hơn, khi được hưởng lợi từ nhiều yếu tố, từ bối cảnh cho đến chính sách, bất động sản công nghiệp có nhiều dư địa và cơ hội phát triển.

Tạo dựng niềm tin mạnh mẽ

"Hiện nay, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu. Việc xúc tiến thành lập các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm; sự tích cực tham gia các Hiệp định FTA; tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây và việc sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp.

Điều này được thể hiện rõ nét qua việc tập trung phát triển các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm tại ba miền Bắc, Trung và Nam. Đồng thời, việc tham gia vào 16 Hiệp định FTA cũng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước", ông Nam nhìn nhận.

Những yếu tố này đã góp phần thu hút một lượng vốn đầu tư đáng kể từ các tập đoàn nước ngoài, điển hình như Samsung đã công bố đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam. Với nền tảng kinh tế thị trường trong nước đang phát triển lạc quan, đồng thời các quốc gia khác trong khu vực đang ngày càng phát triển hơn khiến cho chi phí hoạt động tại các quốc gia đó ngày càng tăng cao, góp phần giúp cho ngành công nghiệp Việt Nam có rất nhiều cơ hội để vươn lên trong cuộc đua phát triển thị trường này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự phát triển của bất động sản công nghiệp Việt Nam cũng còn nhiều những bất cập. "Hạ tầng kết nối đa phương tiện thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Mất cân đối giữa vận tải đường bộ và các loại hình vận tải khác như đường sắt, đường thủy; vận tải hàng hóa đường bộ chiếm 77% tổng lượng vận chuyển hàng hóa của cả nước; chi phí logistics chiếm gần 21% tổng GDP, cao hơn so với hầu hết các nước trong khu vực", ông Nguyễn Đình Cung cho biết.

Ông Cung nhận định, ngành công nghiệp chủ đạo hiện nay phần lớn vẫn chủ yếu là thâm dụng vốn lao động với hạ tầng, nhà xưởng có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp nên đòi hỏi phải dịch chuyển sản xuất hàng hóa lên bước cao hơn: Những ngành nghề xanh, sử dụng lao động hiệu quả và hàm lượng công nghệ cao sẽ là thế hệ khách thuê bất động sản công nghiệp mới. Điều này đồng nghĩa với yêu cầu hệ thống bất động sản công nghiệp với tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn.

Cần tạo đà cho sự bứt phá

Từ thực tế trên, ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng - Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần nghiên cứu, xây dựng và đa dạng hóa mô hình phát triển khu công nghiệp như khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp liên kết ngành, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực. Đồng thời hoàn thiện quy định của pháp luật về mô hình khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ để phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Còn theo ông Nguyễn Trần Nam, để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng, qua đó, tạo đà cho bất động sản công nghiệp bứt phá và phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, cần tập trung đổi mới tư duy, đổi mới phương thức quản lý và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với thị trường bất động sản nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng, dựa trên cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế phù hợp với thực trạng Việt Nam.

Kế tiếp, cần đổi mới tư duy và công tác lập quy hoạch đất công nghiệp nằm trong quy hoạch tổng thể của vùng, địa phương và cả nước. Bên cạnh đó, tập trung quy hoạch các khu công nghiệp và cụm công nghiệp sạch, sinh thái, thân thiện môi trường và thu hút công nghệ cao với các mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài. Quy hoạch cần được lập đồng bộ và công bố công khai để cho các nhà đầu tư nghiên cứu, nắm bắt cơ hội và tham gia đầu tư sớm.

Đặc biệt, cần minh bạch hóa thông tin về thị trường bất động sản, với những chính sách dài hạn, ổn định và có tính đảm bảo mức độ rủi ro chính sách, tạo tâm lý yên tâm, an toàn cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Để giữ chân các nhà đầu tư trong dài hạn, Chính phủ cũng nên lưu tâm tới việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và hải quan rườm rà cũng như cải thiện sự kết nối đồng bộ giữa các lĩnh vực kinh tế.

Hơn nữa, cần tăng tính cạnh tranh cho chi phí giao dịch qua biên giới cũng như nghiên cứu và có ứng xử phù hợp với xu hướng áp dụng công nghiệp 4.0 trong việc phát triển thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam; đồng thời, cần quan tâm giải quyết các vấn đề về môi trường và sức ép lên hạ tầng.

ST.