TIN TỨC NỔI BẬT

Chính sách nổi bật về bất động sản, xây dựng có hiệu lực từ tháng 12/2023
admin - 2023-12-04 15:40:00 - custom.view 317

Từ tháng 12/2023, nhiều chính sách mới về Bất động sản, xây dựng bắt đầu có hiệu lực thi hành. Trong đó, nổi bật là các quy định sau đây:

1. Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Đây là nội dung được đề cập tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 09/11/2023 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 24/12/2023).

Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; triển khai nhanh, hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

2. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Theo Nghị quyết số 103/2023/QH15, Chính phủ phải tiếp tục tích cực rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quyền sử dụng đất, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ, thị trường năng lượng... góp phần nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh.

Chính sách nổi bật về bất động sản, xây dựng có hiệu lực từ tháng 12/2023

Chính sách nổi bật về bất động sản, xây dựng có hiệu lực từ tháng 12/2023

3. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại

Nghị quyết số 103/2023/QH15 yêu cầu Chính phủ tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, bến cảng, hệ thống đường cao tốc, các tuyến đường gom, nút giao kết nối để phát huy tối đa hiệu quả các tuyến đường cao tốc đã đưa vào khai thác, các dự án có tính liên vùng, các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, sạt lở, xâm nhập mặn, các dự án hạ tầng đô thị, hạ tầng chuyển đổi số, bảo đảm tiến độ và chất lượng các công trình. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án, hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm nguồn cung và kiểm soát giá nguyên vật liệu, chỉ tiêu sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ. Có các giải pháp đồng bộ bảo đảm vật liệu san lấp cho các công trình hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm ngành giao thông; khẩn trương nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp tại một số công trình hạ tầng. Thúc đẩy tiến độ đầu tư, bảo đảm chất lượng xây dựng các dự án đường bộ cao tốc, phấn đấu hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km vào năm 2025. Nghiên cứu, triển khai hiệu quả Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia, tuyến đường sắt trục Đông - Tây; nghiên cứu hoàn thiện Đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sớm nhất có thể trong năm 2024.

Tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; có các giải pháp để ưu tiên thu hút đầu tư, thúc đẩy triển khai nhanh nhất các dự án, công trình phát triển, truyền tải, phân phối điện, nhất là năng lượng tái tạo, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân; khẩn trương ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục chuyển dịch phát triển hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số. Tích cực triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn về hạ tầng thương mại, trong đó có tiêu chí kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng tâm là các công trình thủy lợi phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, không gian ngầm đô thị, khu công nghiệp...; tổ chức rà soát, lập và điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành. Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và giải pháp thiết thực, hiệu quả đẩy mạnh phát triển các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư. Chủ động xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc ban hành cơ chế đặc thù hoặc bổ sung nguồn lực để thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia trong trường hợp cần thiết.

4. Danh mục dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được vay vốn tín dụng đầu tư

Theo Nghị định 78/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 22/12/2023), dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được vay vốn tín dụng đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, bao gồm:

- Dự án đầu tư khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt (Nhóm A, B, C).

- Dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, rác thải tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, bệnh viện và các cụm công nghiệp, làng nghề (Nhóm A, B).

- Dự án đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật (Nhóm A, B, C).

- Dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghiệp hỗ trợ, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Nhóm A, B).

- Dự án đầu tư xây dựng mới, đầu tư mở rộng, cải tạo, mua sắm thiết bị các bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học (Nhóm A, B, C).

- Dự án đầu tư xây dựng mới, mở rộng, cải tạo, nâng cấp công trình đường bộ, công trình đường sắt, cảng thủy nội địa, cảng biển, cảng hàng không (Dự án quan trọng quốc gia; Nhóm A, B, C).