TIN TỨC NỔI BẬT

Chuyện gì sẽ xảy ra với đất nền nếu dịch tiếp tục kéo dài?
admin - 2021-06-24 16:29:00 - custom.view 1092

Có lẽ đây là phân khúc đang chịu “cú bồi” mạnh nhất khi đồng thời vừa trải qua cơn sốt hạ nhiệt, vừa dịch Covid-19 hành hoành. Phần lớn nhà đầu tư tìm đến đất nền để kì vọng lợi nhuận cao, nhưng đây đang là thời điểm “nhạy cảm” để nhà đầu tư quyết định việc xuống tiền, nhất là lúc dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp ở các địa phương.

Nhìn vào báo cáo phân khúc đất nền của DKRA Vietnam trong tháng 5/2021 để thấy, sự ảnh hưởng của dịch bệnh đã thể hiện rõ nét ở sức cầu lẫn nguồn cung của phân khúc đất nền. Không chỉ ở Tp.HCM và các tỉnh lân cận – vốn là thị trường sôi động của phân khúc này thời gian qua cũng đã chứng kiến những "gam màu" buồn do ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Theo đơn vị này, nếu so với thời điểm tháng 4/2021, lượng tiêu thụ đất nền tháng 5 đã giảm hơn 60%. Cả Tp.HCM và 4 tỉnh lân cận chỉ có 8 dự án mở bán, trong đó duy nhất có một dự án mới. Nguồn cung thấp hơn gần 30% so với tháng trước đó, đồng thời lượng tiêu thụ cũng sụt giảm mạnh. Bức tranh này hoàn toàn trái ngược với thời điểm tháng 2&3 khi mà cơn sốt đất bùng khắp nơi, cho thấy, "cú bồi" sốt đất hạ nhiệt kèm dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào phân khúc đất nền.

Mặc dù theo khảo sát ở khu ven Tp.HCM và tỉnh lân cận chưa có hiện tượng xuống giá hay bán tháo, bán lỗ đất nền nhưng rõ ràng sức mua và giao dịch giảm hẳn khi dịch bùng phát. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Tp.HCM, điều này đồng nghĩa với các khu vực giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa- Vũng không nằm ngoài địa phận bị ảnh hưởng. Theo đó, nếu trong tháng 1 đến tháng 3 tình hình sôi động vẫn diễn ra ở phân khúc đất nền các tỉnh lẻ thì hiện tại cũng khá trầm lắng. Riêng, đất ven Tp.HCM như Tp.Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn…. 

Dường như "ngủ đông" vì khách không thể đi xem đất do giãn cách xã hội cũng như tình hình dịch diễn biến đang hết sức phức tạp. Dù giao dịch không có nhưng theo tìm hiểu đất nền vẫn giữ giá hoặc tăng nhẹ. Thậm chí, theo báo cáo của DKRA Vietnam, mặt bằng giá sơ cấp giữa các địa phương có sự chênh lệch đáng kể. Biên độ tăng giá khá lớn giữa giá bán đợt 1 và các đợt tiếp theo mặc dù thời gian mở bán khá gần nhau.

Chuyện gì sẽ xảy ra với đất nền nếu dịch tiếp tục kéo dài? - Ảnh 1.

Riêng tại thị trường Tp.HCM, tình hình phân khúc đất nền tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới.Lượng tiêu thụ tập trung vào những dự án đã mở bán ở trước đó (sản phẩm tồn kho) với giao dịch khiêm tốn.

Theo Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, nếu dịch kéo dài 4-6 tuần tới khả năng cao là một số NĐT cá nhân nhỏ lẻ bị áp lực tài chính sẽ bán dưới giá mua vào. Còn những NĐT có dòng tiền nhàn rỗi, xác định đầu tư trung, dài hạn thì không đáng lo ngại trước bối cảnh này.

Theo các chuyên gia, dịch bệnh bắt đầu có chiều hướng xấu từ cuối tháng 4, thời điểm hiện tại đã 1,5 tháng và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong suốt thời gian này, rõ ràng thị trường BĐS đã trầm lắng rõ rệt. Các dự án mới điều chỉnh lại thời gian ra mắt, dự án đang mở bán buộc phải ngưng, hoạt động truyền thông quảng bá giảm thiểu đáng kể, sự kiện event lùi vô thời hạn (chờ dịch). Một số doanh nghiệp thích ứng bằng cách tổ chức sự kiện online, booking qua mạng song rõ ràng với đặc thù cần nguồn vốn lớn, cần sự thận trọng thì những phương án chốt hàng online chưa thực sự mang lại hiệu quả cao cho ngành BĐS.

Trước đó, thị trường BĐS vừa đi qua "sốt", sau đó lại gánh thêm cú bồi từ dịch Covid-19 khiến lượng quan tâm lẫn giao dịch giảm. Minh chứng là mức độ quan tâm toàn thị trường tháng 4 sụt giảm 18%.

Theo số liệu từ Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm BĐS giảm mạnh nhất diễn ra ở Hải Phòng (giảm 34%), Bắc Ninh (giảm 29%), Đà Nẵng (giảm 21%). Đối với thị trường BĐS bán, các loại hình có mức độ sụt giảm mạnh nhất là đất dự án (giảm 34%), đất (giảm 29%) và biệt thự (giảm 22%).

Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, trong tháng 5/2021, lượng thông tin truy vấn về đất nền đã giảm từ 15 – 20% so với tháng trước đó. Nhiều năm gần đây, đất nền tại các khu vực vùng ven của Tp.HCM luôn nằm trong danh mục ưa thích của nhà đầu tư. Tuy nhiên, giai đoạn này, phân khúc này đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 và trong khoảng 6 tháng tới, sẽ rất khó để phân khúc này trở lại nhộn nhịp như trước đây.

Trong khi đó, chỉ vài tháng trước, thông tin về việc có khả năng quy hoạch một số huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc Tp. HCM đã khiến đất nền tại Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ hoặc Nhà Bè được tìm kiếm mạnh thì nay lượng truy vấn đã giảm mạnh. Còn các tỉnh lân cận Tp.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An hay Bà Rịa – Vũng Tàu cũng ghi nhận các thông tin tìm kiếm về đất nền giảm khoảng 10-12% trong giai đoạn từ tháng 4 – 5/2021.

"Chưa kể, không ít nhà đầu tư cũng đã bị "đứt gãy" dòng tiền trong các đợt bùng phát của dịch COVID-19 do bị "chôn" vốn, thậm chí phải bán tháo, cắt lỗ nên phần nào khiến cho tính thanh khoản của phân khúc đất nền cần thêm nhiều thời gian để hồi phục", ông David Jackson khẳng định.

Ông Mai Đức Toàn, chuyên gia BĐS cho rằng, ở các đợt dịch trước, chúng ta mất khoảng 1 tháng để kiếm soát được dịch bệnh song đợt dịch này kéo dài và phức tạp hơn dự kiến. Do đó, còn quá sớm để dự đoán thị trường BĐS sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới. Tất cả đều phụ thuộc vào thời gian kết thúc dịch bệnh hoặc thời gian Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng. Thị trường BĐS sẽ tiếp tục trầm lắng đến khi chúng ta kiểm soát được hoàn toàn dịch bệnh.

Hạ Vy
Theo Trí thức trẻ