Nhiều doanh nghiệp đầu tư bất động sản công nghiệp đã nhanh chân đón đầu làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, lĩnh vực bất động sản (BĐS) VN sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều, có phân khúc hưởng lợi nhưng cũng có phân khúc gặp thách thức.
Bất động sản công nghiệp đón sóng
Các chuyên gia cho rằng xu thế dịch chuyển đầu tư không chỉ kéo theo nhu cầu về BĐS công nghiệp mà các phân khúc khác như nhà ở, BĐS thương mại cũng sẽ phát triển mạnh.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS VN, cho rằng BĐS công nghiệp ở miền Bắc sẽ chịu biến động lớn từ cuộc chiến thương mại này vì gần Trung Quốc (TQ), thuận lợi cho việc dịch chuyển nhà xưởng. Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định… sẽ là điểm dừng chân lý tưởng của các chủ công ty. Từ đó, thị trường BĐS phía Bắc sẽ sôi động hơn so với trước. Sự phát triển của các khu công nghiệp tất yếu kéo theo sự phát triển của BĐS nhà ở và thương mại ở các địa bàn.
Hiện nay, BĐS công nghiệp VN đang có chỗ đứng nhất định trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Nguyên do là VN làm tốt việc thành lập các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm, tích cực tham gia các hiệp định thương mại toàn cầu và kinh tế VN đang tăng trưởng mạnh. Đồng thời, VN có lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp nên hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch tận dụng thời cơ này để mượn sóng đẩy thuyền. Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Rạng Đông cho biết đã đầu tư xây dựng Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông (Aurora IP) tại huyện Nghĩa Hưng, Nam Định, nằm trong Khu kinh tế Ninh Cơ với diện tích hơn 2.000 ha.
“Số lượng doanh nghiệp từ các nước Nhật Bản, TQ, Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc… quan tâm khu công nghiệp ngày càng tăng, đặc biệt khi khu công nghiệp cam kết đã phát triển toàn diện về hạ tầng kỹ thuật với định hướng xanh - sạch - bền vững, sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư thứ cấp từ quý II-2019” - đại diện Rạng Đông tiết lộ.
Bất động sản công nghiệp được các chuyên gia đánh giá sẽ hưởng lợi đón làn sóng nhà đầu tư mới. Ảnh: HTD
Ở phía Nam, quỹ Warburg Pincus (Mỹ) và nhà phát triển BĐS công nghiệp Becamex IDC tại Bình Dương đã cho ra mắt liên doanh Công ty CP Phát triển BW Industrial. Với hơn 200 ha dự án đang được phát triển, BW Industrial hiện là nhà phát triển dịch vụ cho thuê công nghiệp và hậu cần lớn nhất tại VN. Nhà đầu tư Singapore Boustead thì đang phát triển nhà xưởng xây sẵn và nhà xưởng xây theo nhu cầu tại Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Trước đây chúng ta chỉ quan tâm phát triển các khu công nghiệp mà không kèm theo phát triển đô thị, dẫn đến thiếu hụt nhà ở cho công nhân, chuyên gia. Bối cảnh hiện nay là cơ hội để phát triển song song phân khúc nhà ở, nhà phố thương mại… kèm BĐS công nghiệp.
Tác động không đồng đều
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá cuộc chiến thương mại sẽ khiến kinh tế TQ gặp nhiều khó khăn. Nguồn khách du lịch TQ sang VN sẽ giảm, ảnh hưởng tới thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Dòng vốn chủ yếu từ nhà đầu tư TQ, Hàn Quốc, Nhật Bản cho phân khúc này cũng sẽ sụt giảm.
“BĐS nghỉ dưỡng là ngành liên quan và chịu tác động trực tiếp từ tình hình thế giới. Phân khúc này chắc chắn sẽ gặp khó khăn ít nhiều dù mấy năm nay thị trường này vẫn phát triển tốt” - ông Hiếu dự đoán.
Một số nhà đầu tư tin rằng thị trường sẽ có sự phân bố lại, không chỉ phát triển sôi nổi ở Hà Nội, TP.HCM mà sẽ lan rộng ra các TP vệ tinh, khu vực lân cận. BĐS nhà ở phân khúc cao cấp dành cho khách hàng là người nước ngoài đến phân khúc trung cấp cho nhân viên văn phòng, giá rẻ dành cho công nhân, người lao động ngoại tỉnh, đặc biệt là ở các tỉnh, TP có nhiều khu công nghiệp sẽ được đầu tư mạnh hơn.
Tuy nhiên, các chủ đầu tư nhìn nhận thị trường đang đứng trước thách thức rất lớn do giá đất ngày càng tăng cao. Điều này khiến việc phát triển nguồn cung càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Sàng lọc nhà đầu tư FDI
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tạo ra sự dịch chuyển mạnh của các nhà đầu tư FDI từ TQ sang các nước lân cận như VN. Làn sóng nhà đầu tư FDI mới sẽ vào nhưng VN cần lựa chọn, sàng lọc các dự án phù hợp theo các mục tiêu chiến lược của từng ngành, hàng và địa phương cũng như cả nước nói chung. Khu công nghiệp nên ưu tiên các nhà đầu tư công nghệ cao, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng...
Ngoài ra, VN phải giám sát luồng hàng hóa nhập khẩu, chặn những hàng hóa lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để khoác áo hàng VN xuất khẩu. Đặc biệt tình trạng tránh thuế, mượn xuất xứ VN (nhất là hàng TQ) để xuất sang Mỹ. Nếu VN không kiểm soát thì các doanh nghiệp trong nước bị vạ lây, Mỹ sẽ đánh thuế cao lên hàng hóa nước ta.
QUANG HUY