Chia sẻ mới đây, ông Mai Đức Toàn, chuyên gia BĐS có kinh nghiệm nhiều năm ở lĩnh vực BĐS cho rằng, không thể phủ nhận, Covid -19 và cơn sốt đất "hạ nhiệt" tạo nên ảnh hưởng kép tiêu cực đến thị trường BĐS, khiến tâm lý nhà đầu tư dao động. Tuy nhiên, ảnh hưởng của hai yếu tố này chỉ là tạm thời, không đáng quan ngại và không ảnh hưởng nhiều đến thị trường trong dài hạn.
Bởi lẽ, BĐS luôn là lựa chọn hàng đầu của người Việt so với các kênh đầu tư như vàng, tiền ảo, chứng khoán hay gửi tiết kiệm. Do đó, sẽ không có chuyện NĐT ngần ngại "găm tiền" vào BĐS. Nếu dịch được kiểm soát, thị trường giữa năm đến cuối năm sẽ bật dậy, phục hồi và sôi nổi. Tuy nhiên sẽ không thể bằng giai đoạn đầu năm.
Theo vị chuyên gia này, hậu sốt đất và Covid là thời điểm để nhà đầu tư đánh giá lại toàn diện thị trường và sắp xếp các danh mục đầu tư phù hợp.
Cùng quan điểm, chuyên gia Savills Việt Nam cho hay, BĐS vẫn là một kênh hấp dẫn, các NĐT có thể vừa để sử dụng khai thác, vừa có thể gia tăng giá trị. Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phiên Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19, nhiều loại hình BĐS gặp khó khăn trong hoạt động khai thác kinh doanh. Tuy nhiên, thị trường đã có lượng tiền đến từ đầu tư chứng khoán, dẫn đến thực tế đất hay BĐS gắn với đất thu hút đáng kể sự quan tâm của nhà đầu tư.
Ở một số khu vực, giá đất và giá BĐS gắn với đất cũng nằm ở mức hợp lý khi so sánh với các sản phẩm bất động sản khác như căn hộ để bán, sản phẩm condotel đang chờ thủ tục pháp lý, hoặc những sản phẩm có giá trị lớn như biệt thự nghỉ dưỡng. Những hiện tượng này dẫn đến nhu cầu và các giao dịch về đất đã diễn ra rất mạnh trong thời gian gần đây.
"Tại một số khu vực thì BĐS trước đó chưa được đánh giá cao, giá bất động sản đã tăng đến ngưỡng hợp lý. Tuy nhiên cũng đồng thời xảy ra hiện tượng giá BĐS tăng vượt quá giá trị thực tế, khiến một số khu vực giá vượt giá trị thực, trở thành giá trị ảo. Việc xuất hiện giá trị ảo dẫn đến rủi ro cho các nhà đầu tư, đồng thời gây ra những hệ lụy cho các tổ chức và các hoạt động kinh tế lớn hơn.
Nhìn từ thực tế trước đây, khi có những hiện tượng vượt quá giá trị thực thì bản thân các nhà đầu tư cũng nhận thấy cần phải điều chỉnh, không thể đi trên con sóng cao và nhận lại nhiều rủi ro, chưa kể dòng tiền hiện nay vào BĐS cũng bị kiểm soát, liên quan đến quy định đầu tư vốn ngắn hạn và dài hạn và một số công cụ khác về quản lý các hoạt động kinh doanh BĐS", bà Hằng phân tích.
Theo vị chuyên gia này, thời gian gần đây, việc này đã lắng xuống, nhưng chúng ta vẫn nhìn thấy giá trị của BĐS, đặc biệt là đất một số khu vực đã tăng và có dấu hiệu giá ảo. Tình trạng này sẽ không có lợi chung cho tất cả các bên, do đó các nhà đầu tư sẽ cần có những nước đi phù hợp.
"NĐT nên đầu tư vào những khu vực mà BĐS có thể đưa vào khai thác sử dụng; còn nếu đầu tư theo hướng "để đấy" hoặc đầu tư mang tính chất đám đông có tính dài hạn thì cũng không phải là giải pháp hợp lý. Hiện các nhà đầu tư phải tự điều chỉnh hoạt động đầu tư trong thời gian ngắn hạn và trung hạn, ít nhất là trong năm nay", bà Hằng cho biết.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, có một thực tế là BĐS, đặc biệt là BĐS nhà ở, vẫn luôn là kênh đầu tư dài hạn hấp dẫn, một trong những phương án đa dạng hóa kênh đầu tư của các nhà đầu tư. Nhưng NĐT vẫn cần lưu ý về việc cân nhắc giá trị của kênh đầu tư về dài hạn này. Chỉ trong điều kiện khu vực được đầu tư có tiềm năng phát triển thì khi đó đầu tư mới là một quyết định nên làm.
Trước đó, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam cho rằng, nếu như thế hệ trước, vào những thời điểm bất ổn như chiến tranh, dịch bệnh, nhà đầu tư cá nhân thường tích trữ vàng.Tuy nhiên, giờ đây, BĐS luôn là kênh tốt để tích lũy thay cho gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng hay tích trữ vàng. Năm 2021 là thời điểm cho các nhà đầu tư cá nhân xem xét lại hoạt động kinh doanh, chuyển đổi từ những khoản đầu tư khác sang BĐS.
"Với các NĐT cá nhân thì đầu tư BĐS là kênh tốt để tích lũy thay cho gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng hay tích trữ vàng. Năm 2021 thật sự là một cơ hội cho các NĐT cá nhân xem xét lại hoạt động kinh doanh, cân nhắc thêm là nếu họ sử dụng đòn bẩy kinh tế thì liệu họ có còn khả năng chi trả cho đến lúc thị trường tốt như kì vọng để bán, còn không thì những khó khăn về tài chính mà nếu họ không vượt qua được thì họ sẽ ra sao.
Đối với những người có năng lực tài chính dồi dào thì họ có thể lướt còn không thì cho thuê, vì đó là tài sản của họ. Nhưng nếu phải đang dùng đòn bẩy quá lớn thì nên cân nhắc kỹ lưỡng", TS Khương dành lời khuyên cho NĐT.