TIN TỨC NỔI BẬT

Đẩy mạnh xây dựng đô thị sân bay tại Long Thành
admin - 2020-06-15 14:07:26 - custom.view 1491

Tại hội thảo “Đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành” do báo Tiền Phong tổ chức sáng 28/3 tại Tp.HCM, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận, việc xây dựng sân bay Long Thành là bước đệm to lớn không chỉ đối với sự phát triển của lĩnh vực hàng không mà còn tác động mạnh đến phát triển đô thị vùng và mục tiêu xây dựng đô thị sân bay. Sân bay Long Thành được xem như "cánh cửa" kinh tế của Việt Nam. Theo đánh giá thì nơi đây sẽ là động lực kinh tế, quy hoạch đô thị cho Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đẩy mạnh xây dựng đô thị sân bay tại Long Thành
Việt Nam rất cần xây dựng ngay một sân bay quốc tế
quy mô có thể đáp ứng một thời kỳ phát triển hàng không mới

Ông Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đưa ra khái niệm, trước giờ các chuyên gia mới nghỉ đến việc xây dựng sân bay mà chưa nghĩ đến việc phát triển nơi này thành thành phố sân bay. Nếu phát triển sân bay Quốc tế Long Thành đồng hành với việc xây dựng một khu đô thị sân bay quy mô lớn thì việc khai thác được tiềm năng vốn có của nó sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế cả vùng.

Nhìn nhận về áp lực của ngành hàng không, ông Võ Huy Cường – Cục phó Cục hàng không Việt Nam phân tích, rất khó để khai thác các sân bay cũ vì không có dư địa để phát triển các sân bay này trong tương lai. Hiện nay tại hầu hết các quốc gia đang phát triển như Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan đều quyết định xây dựng các sân bay lớn thay các sân bay cũ và nhỏ. Việt Nam rất cần xây dựng ngay một sân bay quốc tế quy mô có thể đáp ứng một thời kỳ phát triển hàng không mới. Song song với nó là cần chú trọng triển khai đô thị sân bay, quy hoạch kinh tế của cả vùng. 

Vấn đề hiện nay là dự án này đang chậm tiến độ do yếu tố nguồn vốn và giải tỏa mặt bằng. Xoay quanh vấn đề đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành, ông Nguyễn Đồng Thanh, P. GĐ Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai cho rằng, trong tình trạng trần nợ công như hiện nay thì việc vay vốn sẽ phải gặp những khó khăn nhất định. Để giải quyết vấn đề này cần kêu gọi được nhà đầu tư trong nước và quốc tế bắt tay cùng làm. Bên cạnh đó, cần thực hiện nhanh các chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng và các chính sách khác. Nếu những công trình này không được thực hiện nhanh, đảm bảo thời gian sẽ ảnh hưởng toàn bộ đến phần công việc giải phóng mặt bằng sân bay sau này.

Về ý kiến vẫn cho rằng tại sao không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hay Biên Hòa mà lại là xây mới sân bay Long Thành. Ông Đỗ Tất Bình cho biết, phát triển sân bay Tân Sơn Nhất càng lớn thì hậu quả cho Tp.HCM sẽ càng nghiêm trọng về môi trường và an ninh an toàn hàng không.  Việc một sân bay nằm gần thành phố như Tân Sơn Nhất đang gây ra các tác động xấu tới dân cư xung quanh. Vấn đề ô nhiễm, tiếng ồn, áp lực hạ tầng giao thông có thể sẽ trầm trọng hơn một khi sân bay Tân Sơn Nhất được mở rộng quy hoạch thiếu hợp lý. Sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất đang là yếu tố kéo lùi sự phát triển của ngành hàng không. Vì vậy, việc nhanh chóng phát triển sân bay thay thế sẽ thu hút được sự hợp tác, tăng cường khai thác chuyến bay từ đối tác quốc tế. Việc sớm triển khai và đưa vào khai thác sân bay Long Thành không chỉ tác động đến ngành hàng không mà còn là tiền đề để phát triển kinh tế vùng, phát triển đô thị vệ tinh phụ cận và ảnh hưởng đến quy hoạch BĐS của cả khu vực.

Trả lời vấn đề này, GS.TS Nguyễn Trọng Hòa – Nguyên Giám đốc Sở quy hoạch kiến trúc Tp.HCM cho rằng, phải đặt bối cảnh phát triển sân bay Tân Sơn Nhất trong bối cảnh xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, không thể có chuyện chỉ phát triển 1 sân bay trong cả một vùng được. Sân bay Tân Sơn Nhất bị ùn tắc, sân bay Long Thành sẽ góp phần đắc lực cho phía Nam. Hai sân bay hỗ trợ cho nhau. Long Thành càng sớm hoạt động bao nhiêu thì Tân Sơn Nhất có thời gian ngừng nghỉ để nâng cấp. Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là cần thiết. Vấn đề là mở rộng tới đâu và thế nào.

Nguyệt An

(Theo Enternews.vn)