Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mạnh mẽ và bùng nổ. Phân khúc này có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài trong xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Cùng với đó, các chính sách mới của Việt Nam về bất động sản công nghiệp: chiến lược cơ cấu lại ngành công nghiệp, khung pháp lý mới về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, cụm công nghiệp... đã mở ra nhiều cơ hội phát triển các khu công nghiệp trên cả nước, từ đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tận dụng cơ hội này.
Nhờ vào vị trí chiến lược của mình, Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi và cơ hội cần phải nắm bắt kịp thời với làn sóng dịch chuyển của các công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo nhận định từ chuyên gia, Việt Nam sẽ chuyển dịch từ một thị trường sử dụng nhiều lao động (labour-intensive) sang thị trường phát triển tập trung nhiều vốn (capital-intensive).
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh đi kèm với sự dịch chuyển trong chuỗi giá trị đã và đang mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường bất động sản công nghiệp, nhất là khi dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn chuyển động theo chiều hướng tăng tích cực. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có các ưu đãi về thuế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân..., giảm các chi phí về thuê đất đai, nhà xưởng, vật chất kỹ thuật... để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam đang có nhiều chính sách mới đối với bất động sản công nghiệp. Ảnh minh họa
Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 500 khu công nghiệp, diện tích cần khoảng 500.000 ha. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.
Tuy nhiên, để phát triển bất động sản công nghiệp, thị trường logistics (kho vận) cũng là một trong những yếu tố có vai trò quan trọng. Rất nhiều chuyên gia cho rằng thị trường logistics sẽ phát triển “nổi bật” trong vòng 5-10 năm nữa. Dự báo, đến năm 2025, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tăng lên đến 8 tỷ USD. Như vậy, bên cạnh công nghệ, các doanh nghiệp logistics cũng phải nhanh chóng đầu tư hạ tầng để chiếm miếng bánh lớn trong tương lai. Đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.
Với mục tiêu đồng hành, trợ giúp các lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng chia sẻ kiến thức, thông tin, theo sát các diễn biến của thị trường, tìm kiếm các giải pháp để kết nối và tận dụng tối đa cơ hội. Tại Diễn đàn, các Diễn giả sẽ có những báo cáo chuyên sâu xoay quanh vấn đề những tác động của bối cảnh, chính sách đến bất động sản công nghiệp và làm thế nào để tận dụng những lợi thế sẵn có để làm tiền đề, tạo ra cơ hội phát triển hơn nữa cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Qua đó, giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tiếp cận thông tin quy hoạch quỹ đất tại từng địa phương và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, sẽ có nhiều hoạt động tiếp xúc của lãnh đạo địa phương với các nhà đầu tư tiềm năng đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào khu công nghiệp tại các địa phương, đồng thời sẽ tổ chức hoạt động kết nối và xúc tiến đầu tư giữa các địa phương, nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Diễn đàn là cơ hội cho UBND tỉnh tiếp thị hình ảnh, chính sách đặc thù của địa phương để thu hút các nhà đầu tư; các Nhà đầu tư Sơ cấp được tiếp cận các quỹ đất mới đã quy hoạch đang mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng từ các địa phương, đồng thời tiếp thị, quảng bá các khu công nghiệp đã xây dựng để nâng cao tỷ lệ lấp đầy 100%; các Nhà đầu tư Thứ cấp có cơ hội lựa chọn khu công nghiệp, lựa chọn địa phương để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất.
BTC