TIN TỨC NỔI BẬT

Hoãn thông qua đặc khu: Vân Đồn, Bắc Vân Phong đóng băng, Phú Quốc vẫn sôi động
admin - 2020-06-15 14:07:26 - custom.view 1965

Sau quyết định tạm dừng thông qua Luật đặc khu, giao dịch ở 3 vùng dự kiến lên đặc khu đều bị ảnh hưởng. Giao dịch tại Vân Đồn và Bắc Vân Phong bị đóng băng hoàn toàn, gần như không có giao dịch nào được thực hiện. Trong khi đó, thị trường bất động sản Phú Quốc bị ảnh hưởng ít hơn.

Giao dịch tại Phú Quốc vẫn sôi động

Theo báo cáo tình hình giao dịch bất động sản 6 tháng đầu năm của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thời điểm đầu quý II, thị trường bất động sản Vân Đồn và Bắc Vân Phong chứng kiến giao dịch sôi động ở cả phân khúc đất dự án và đất thổ cư trong dân. Số lượng sàn giao dịch và nhân viên môi giới tự do tăng lên đột biến. Số lượng nhà đầu tư từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đến đầu tư, lướt sóng tăng kỷ lục so với năm 2017.

Hoãn thông qua đặc khu: Vân Đồn, Bắc Vân Phong đóng băng, Phú Quốc vẫn sôi động
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, dù bị ảnh hưởng ít hơn nhưng giao dịch
tại Phú Quốc vẫn bị chững lại so với quý I/2018. Ảnh: Việt Hà

Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 5, việc Quốc hội chưa thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt khiến giao dịch ở Vân Đồn và Bắc Vân Phong gần như bị “đóng băng”. Các nhà đầu tư, nhân viên môi giới có một cuộc tháo chạy ồ ạt khỏi thị trường. Hiện tại giá đất tại khu vực vẫn giữ ở mức cao nhưng thanh khoản rất thấp.

Riêng tại Phú Quốc, với tốc độ di dân từ các vùng ra Phú Quốc lớn, nhu cầu đất nền vẫn rất nóng. Giao dịch đất nền trong các khu dân cư 67,5 ha, 10 ha, khu dân cư Suối Lớn vẫn diễn ra khá sôi động, giá giao dịch vẫn tăng nhẹ. Đất công, đất đô thị có quy hoạch tốt, vị trí đắc địa, giá vẫn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, đó là thực tế ở những khu phân lô phù hợp quy hoạch, chuẩn mực về pháp lý, hạ tầng. Các khu phân lô tự phát, không được phê duyệt dự án thì đóng băng, ít giao dịch. Dù bị ảnh hưởng ít hơn nhưng giao dịch tại Phú Quốc vẫn bị chững lại so với quý I/2018.

Sôi động các thị trường tỉnh lẻ phía Bắc

Đất nền tại các tỉnh phía Bắc bắt đầu được quan tâm từ cuối năm 2016 nhưng phải đến đầu năm 2018, thị trường mới thực sự phát triển mạnh mẽ. Trên thực tế, từ đầu năm 2018 đến nay đã xuất hiện hiện tượng sốt đất tại một số tỉnh phía Bắc như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… Các tỉnh thành này có sự điều chỉnh giá mạnh so với các năm trước đây. Cụ thể, mức tăng đạt khoảng 30% so với 2 năm trước.

Hoãn thông qua đặc khu: Vân Đồn, Bắc Vân Phong đóng băng, Phú Quốc vẫn sôi động
Đất nền tại các tỉnh phía Bắc bắt đầu được quan tâm từ cuối năm 2016
nhưng phải đến đầu năm 2018, thị trường mới thực sự phát triển mạnh mẽ

Tại Thái Nguyên, lượng cung ở các sản phẩm chung cư, biệt thự liền kề và đất nền đều tăng. Theo thống kê có tới gần 3.000 căn chung cư, 2.000 nền đất và khoảng 400 căn biệt thực liền kề được chào bán trong 6 tháng đầu năm. Thị trường cũng ghi nhận có 778 căn chung cư, 912 sản phẩm đất nền và 466 sản phẩm biệt thự, nhà liền kề được giao dịch thành công trên địa bàn thành phố Thái Nguyên trong 2 quý đầu năm.

Sau hội nghị xúc tiến thương mại được tổ chức đầu tháng 7, Thái Nguyên đã thu hút được hơn 46 nghìn tỷ đầu tư, trong đó có nhiều dự án bất động sản lớn như: dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị FLC Thái Nguyên; dự án khu đô thị mới FLC Thái Nguyên; dự án khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Thái Hưng Eco City, dự án Công viên giáo dục trải nghiệm Thái Hưng, dự án bất động sản khu chung cư Gang Thép…

Tại Bắc Ninh, trong quý II, thị trường đón 1 số dự án có quy mô lớn, lên tới hơn 10.000 sản phẩm, được phát triển tập trung tại các khu vực mạnh về hạ tầng đô thị, khu công nghiệp và các khu hành chính mới như thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn, Thuận Thành, Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong. Lực hấp thụ tại các dự án ở Bắc Ninh khá tốt, thường đạt trên 60% lượng giao dịch cho mỗi đợt ra hàng.

Một số tỉnh khác ở khu vực phía Bắc như Thanh Hóa, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… đều xuất hiện nhiều dự án phát triển nhà ở mới với tình hình giao dịch rất sôi động.

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng sự sôi động của các thị trường tỉnh lẻ phía Bắc, ngoài sự phát triển của các khu công nghiệp còn do giá đất ở Hà Nội bị đẩy lên mức quá cao, tạo ra xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh thành lân cận. Tại đây, doanh nghiệp sẽ dễ phát triển dự án hơn vì nguồn vốn đầu tư không quá lớn.

Thúy An

(Theo Tuổi trẻ Online)