TIN TỨC NỔI BẬT

Kích cầu du lịch "hâm nóng" thị trường bất động sản nghỉ dưỡng
admin - 2020-06-15 14:07:26 - custom.view 1123

Nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa được tung ra

Theo kết quả khảo sát mới đây của Savills Việt Nam, có 493 cơ sở lưu trú, tương đương 78% đã mở cửa đón khách. Trong đó, đa phần các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đã cung cấp đầy đủ tiện ích đi kèm, chỉ có một số ít các cơ sở áp dụng chiến lược tạm ngưng một phần để cắt giảm chi phí. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 22% cơ sở vẫn tạm dừng hoạt động cho đến khi khách quốc tế quay trở lại.

Như vậy, hầu hết các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đã hoạt động trở lại vào tháng 5/2020 với nhiều chương trình ưu đãi đa dạng. Kết quả khảo sát của Savills Hotels cho thấy gần một nửa các cơ sở lưu trú đã đưa ra những chương trình ưu đãi và giảm giá sau khi mở cửa trở lại.

Các cơ sở lưu trú thuộc phân khúc cao cấp thường đưa ra những chương trình ưu đãi như cung cấp các gói dịch vụ hấp dẫn, miễn phí các dịch vụ như ăn uống, vận chuyển… nhằm thu hút khách du lịch trong nước.

Việc giảm giá phòng và kết hợp nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn được xem là chiến lược tốt giúp các cơ sở lưu trú nâng cao khả năng cạnh tranh nhằm đón đầu sự phục hồi của thị trường du lịch trong thời gian tới.

Về giá, theo đại diện Savills, giá phòng trung bình của thị trường trong tháng 4/2020 đã giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó có thể thấy các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp đã bắt buộc phải giảm giá phòng và kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường sau khi đường bay quốc tế và các doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Kết quả khảo sát cho thấy các dự án tại điểm đến ven biển như Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Nam và Phan Thiết đưa ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn và cạnh tranh hơn cả sau khi mở cửa đón khách trở lại. Nguyên nhân vì các khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại đây đều chịu ảnh hưởng nhiều bởi sự sụt giảm khách quốc tế. Do vậy, việc đưa ra các chương trình khuyến mãi trong giai đoạn này sẽ giúp kích cầu du lịch nội địa.

Theo dự báo, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong các tháng tới sẽ tiếp tục giảm. Thị trường du lịch phục hồi nhờ sự trở lại của khách du lịch nội địa. Trước tình hình đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam xây dựng và tổ chức triển khai chương trình Kích cầu Du lịch Việt Nam 2020, tầm cỡ quốc gia, huy động sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp du lịch, địa bàn triển khai được mở rộng trên cả nước.

Trước mắt, chương trình nhằm từng bước khôi phục hoạt động của ngành du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đi du lịch tới các vùng miền trong cả nước, nhất là những vùng không có dịch bệnh như các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Tây Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long, Côn Đảo, Phú Quốc... Trong tương lai, chương trình nhằm hình thành phương pháp ứng phó với các đợt khủng hoảng của ngành du lịch khi gặp các sự cố về thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Theo đó, nhiều tour nội địa sẽ giảm giá sâu. Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, tự vận động, giảm giá và triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa. Điển hình như Công ty du lịch AZA Travel giảm giá tới 70% (bao gồm vé máy bay và khách sạn). Các điểm đến được lựa chọn là 10 điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam: Phú Quốc, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Buôn Mê Thuột, Gia Lai. Các gói combo bao gồm vé máy bay khứ hồi đã bao gồm thuế phí và 3 ngày 2 đêm tại khách sạn 2-5 sao với mức giá chỉ từ 1,59 triệu đồng/người. Khởi hành từ ngày 24/2 – 31/5/2020.

Bất động sản nghỉ dưỡng sôi động trở lại

Hiện phân khúc MICE cũng đã quay trở lại thị trường. Khoảng 95% cơ sở lưu trú đã mở cửa trở lại cho biết các tiện ích phòng họp và hội nghị phục vụ nhóm khách MICE đã sẵn sàng đưa vào hoạt động. Tuy vậy nguồn cầu phân khúc này đang ở mức thấp do các quy định về phòng, chống dịch bệnh vẫn phải được áp dụng nghiêm ngặt và các doanh nghiệp cũng cần cắt giảm quy mô của các sự kiện, hội thảo.

Theo đại diện Savills Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch nhiều doanh nghiệp bất động sản đã và đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc đáp ứng tiến độ dự án với nguyên nhân chủ yếu đến từ tình trạng thiếu nguyên liệu, thiếu nhân công và khó khăn trong việc thu xếp tài chính. Theo số liệu của Savills Hotels, có 49 dự án bất động sản nghỉ dưỡng thuộc phân khúc 4 và 5 sao tại các điểm đến nghỉ dưỡng chính đang được triển khai xây dựng và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020, bổ sung khoảng 16.900 phòng cho thị trường.

Tại Phú Quốc, nhiều dự án lớn đang được triển khai đầu tư xây dựng và mở rộng như Khu vui chơi VinWonders thuộc Vinpearl Phú Quốc, Khu Đô Thị Thông Minh Meyhomes, Movenpick Resort Waverly Phú Quốc của MIK, L'Alyana Senses World Phú Quốc...

Tại Phan Thiết, nhiều dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn cũng đang được triển khai xây dựng rầm rộ. Trong đó đó đáng chú ý là NovaWorld Phan Thiết và NovaHills Mũi Né của Novaland. Tại Hồ Tràm, Tập đoàn Novaland cũng đang triển khai xây dựng mạnh dự án NovaWorld Hồ Tràm...

53% trong số các dự án này, dù có phần chậm trễ so với tiến độ dự kiến ban đầu, hiện vẫn đang gấp rút hoàn thiện những bước cuối cùng để kịp thời mở cửa đón khách trong năm nay. 23 dự án còn lại tạm hoãn thời gian hoàn thiện qua năm 2021. Trong số đó, hơn 60% dự kiến hoàn thiện vào Quý 1 và Quý 2 năm 2021, số còn lại vẫn chưa có thời gian dự kiến hoàn thành cụ thể. Phần lớn các dự án chậm tiến độ (90%) tập trung ở khu vực ven biển.

Theo đơn vị này, không loại trừ khả năng tiến độ thực hiện các dự án này trong tương lai có thể bị ảnh hưởng do những tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn các dự án vẫn đang được triển khai thực hiện. Riêng đối với việc mở bán các dự án mới, các Chủ đầu tư dự án “ngôi nhà thứ hai” và Condotel đều đẩy lùi tiến độ ra mắt để chờ nhu cầu trong nước hồi phục trở lại.

Một số dự án tiêu biểu sẽ khai trương trong năm nay như JW Marriott Đà Nẵng, Regent Phú Quốc hay Zannier Bãi San Hô, theo Saviils sẽ góp phần khẳng định tiềm năng của Việt Nam trên chặng đường phát triển thành một điểm đến nghỉ dưỡng cao cấp hơn trong thời gian tới.

Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa cho biết, để trở lại sau dịch, bất động sản nghỉ dưỡng phải phụ thuộc vào thị trường du lịch quốc tế chứ không riêng gì nội địa. Điều quan trọng nhất bây giờ là chống dịch trong trạng thái bình thường mới và muốn bất động sản nghỉ dưỡng “hồi sức” thì phải hết dịch, giao thương quốc tế bình ổn. Ngoài ra, cần có những gói kích cầu và những giải pháp cụ thể.

Cùn quan điểm, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam nhận định, khi hoạt động du lịch khởi sắc và sôi động trở lại thì bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có diễn biến tích cực hơn. Đặc biệt, nếu cơ quan chức năng sớm ban hành hệ thống văn bản pháp lý quy định rõ ràng về quyền sở hữu, loại hình sẽ có cơ hội phát triển mạnh. Các yếu tố chính sách pháp lý sẽ là cú huých cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Hạ Vy
Theo Trí thức trẻ