TIN TỨC NỔI BẬT

Lợi đơn, lợi kép từ dự án BT
admin - 2020-06-15 14:07:26 - custom.view 4136

Lợi đơn, lợi kép từ dự án BT

Đại lộ Phạm Văn Đồng được thực hiện theo hình thức BT

Những dự án “khủng”

Tại TP.HCM có nhiều dự án hạ tầng đã và đang được triển khai theo hình thức BT, trong đó có những dự án quy mô lớn với tổng vốn đầu tư lên đến 10.000 tỉ đồng.

Đầu tiên, phải kể đến dự án giải quyết ngập do triều cường có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) do tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư. Dự án BT này cố tổng mức đầu tư hơn 9.926 tỉ đồng.

Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Dự án tập trung xây dựng các cống kiểm soát triều lớn và xây dựng tuyến đê dài, bao gồm các hạng mục ở quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh với diện tích ảnh hưởng khoảng 100 ha.

Theo hợp đồng BT, UBND TPHCM sẽ thanh toán cho chủ đầu tư 16% giá trị bằng quỹ đất và 84% bằng tiền.

Trung Nam đề xuất một loạt khu đất để thanh toán cho dự án trên, bao gồm khu đất 8.450m2 đường Tăng Nhơn Phú (phường Phước Long B, quận 9), khu đất lô MD5 ở khu đô thị mới Nam Thành phố (phường Tân Phú, quận 7), và khu đất 308 Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang, quận 1).

Ngoài ra, nhà đầu tư này cũng từng đề xuất bổ sung một số khu đất khác như khu đất 420 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), khu đất 193 Võ Thị Sáu (quận 3), khu đất 164 Đồng Khởi (quận 1), khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1), và 9 địa chỉ nhà đất với tổng diện tích 2.197 m2 trên địa bàn quận 1 và quận 5.

Đại lộ Phạm Văn Đồng được xem là một trong những tuyến đường đẹp nhất thành phố cũng được thực hiện theo hình thức BT. Dự án này có tổng mức đầu tư 495 triệu USD (khoảng 10.125 tỉ đồng), có chiều dài 13,7 km đi qua 4 quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức với số hộ dân phải giải tỏa là 3.900 hộ. Điểm đầu của dự án từ nút giao thông Trường Sơn (gần sân bay Tân Sơn Nhất) đi qua ngã năm Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp rồi vượt sông Sài Gòn và kết thúc tại nút giao Linh Xuân, quận Thủ Đức.

Theo hợp đồng BT giữa UBND TP.HCM và Công ty GS E&C (Hàn Quốc), thành phố đã giao Công ty GS E&C 5 khu đất, gồm hai khu ở phường Thảo Điền, quận 2 (tổng diện tích 4,42 ha), và một khu ở bán đảo Thủ Thiêm (4,02 ha), một khu gần “chợ thuốc tây” ở quận 10 (1,8ha) và khu Long Bình quận 9 (91,8 ha).

Gần đây, dư luận cũng xôn xao quanh câu chuyện bốn cung đường tại Thủ Thiêm (quận 2) trị giá 12.000 tỉ đồng do Công ty Đại Quang Minh thực hiện theo hình thức BT. Bốn tuyến đường này có tổng chiều dài 11,9km, bao gồm đại lộ vòng cung (ký hiệu R1), đường ven hồ trung tâm (R2), đường ven sông Sài Gòn (R3) và đường Châu thổ qua Khu lâm viên sinh thái phía Nam (R4).

Đổi lại, UBND TP.HCM giao cho Đại Quang Minh gần 79ha tại khu đô thị mới Thủ Thiêm để đầu tư các dự án khu đô thị.

Cũng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhiều khu đất giá trị khác cũng được thành phố chuẩn bị để đối ứng cho các dự án hạ tầng trọng điểm sắp triển khai. Chẳng hạn, dự án BT đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 7 với Thủ Thiêm trị giá 5.200 tỉ đồng. Thành phố sẽ dùng 16 lô đất để thanh toán lại cho chủ đầu tư, trong đó có 11 lô tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trước đó, thành phố quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 4 gồm liên danh là Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần đầu tư và thát triển hạ tầng 620, Công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng 168 và Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận.

Tại Hà Nội, Văn Phú Invest cũng là cái tên khá quen thuộc khi xuất hiện tại nhiều dự án hạ tầng. Trong đó chủ yếu doanh nghiệp này tham gia theo hình thức đối ứng BT.

Dự án cao tốc Hà Nội – Bắc Giang theo hình thức BOT do Văn Phú Invest cùng với Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương, Tổng công ty Cổ phần xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại 319 thực hiện.

Cũng thông qua hình thức BT với Bộ Y Tế, khu đất “vàng” có diện tích 15.600m2 trước đây là trụ sở cũ của trường Đại học Y Tế Cộng Đồng đã về tay Văn Phú Invest. Văn Phú Invest đã bỏ ra 640 tỷ đồng xây dựng trường Đại học Y Tế Cộng Đồng mới và được đổi lại khu đất để triển khai dự án Giảng Võ Complex.

Đấu thầu để chặn thất thu ngân sách

Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Giảng viên trường Đại học Ngân Hàng TP.HCM, cho rằng trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước eo hẹp, làm dự án BT là một giải pháp quan trọng để Nhà nước huy động nguồn lực từ khối tư nhân vào đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ở Việt Nam, những năm vừa qua, hình thức đầu tư BT được áp dụng rất phổ biến, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Ông Tín cho biết, bản chất hình thức đầu tư BT là tốt, song khi thực hiện một số dự án đã đi sai hướng so với mục đích tốt đẹp ban đầu. Thay vào đó, dự án BT là cuộc ngã giá mang tên đổi đất lấy hạ tầng. Dự án được chỉ định thầu thay vì đấu thầu, không thẩm định đúng giá trị của khu đất so với hạ tầng được đầu tư dẫn đến nhiều rủi ro, thất thu ngân sách nhà nước.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng, các dự án BT không qua đấu thầu mà chỉ thực hiện chỉ định thầu sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Cụ thể, nhà đầu tư được hưởng lợi "kép". Lần thứ nhất là khi nhận thầu thi công công trình, và lần thứ hai là khi đầu tư kinh doanh các khu đất đối ứng ở các địa điểm đắc địa đã được tăng cường hệ thống hạ tầng giao thông.

Các nhà đầu tư cũng đã tránh được thủ tục "kép", đó là khi lựa chọn nhà thầu xây lắp công trình và lựa chọn chủ đầu tư dự án bất động sản.

Cũng theo ông Châu, hiện nay có tình trạng nhiều chủ đầu tư tham gia thực hiện dự án BT nhưng vốn sở hữu chỉ có khoảng 10%, 90% còn lại là tiền đi vay ngân hàng. Đây là lý do dẫn đến dự án đổ vỡ do nhà đầu tư “tay không bắt giặc”.

Ông Tín của Đại học Ngân Hàng TP.HCM cho rằng, để hình thức BT không trở thành công cụ cho các nhóm lợi ích trục lợi, gây thất thoát ngân sách thì ngoài việc tổ chức đầu thầu công khai minh bạch, khi thực hiện các dự án BT Nhà nước cần có những cơ quan giám định, tư vấn độc lập. Những cơ quan này sẽ nghiên cứu và đưa ra mức giá phù hợp cũng như giám sát hoạt động xây dựng của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án BT.

Trần Phong