TIN TỨC NỔI BẬT

Mổ xẻ cơ hội và thách thức đầu tư đô thị biển
admin - 2020-10-27 10:51:38 - custom.view 1012

Theo chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright thì mục tiêu đến 2030 đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thuộc nhóm 30 nước có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới là khiêm tốn so với lợi thế, tiềm năng.

Theo Nghị quyết 36 của TW, mục tiêu đến 2030 và tầm nhìn 2045 Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đóng góp 10% GDP. 28 tỉnh ven biển chiếm đến 65-70% GDP, thu nhập gấp 1,2 lần bình quân cả nước, xác định 6 ngành ưu tiên trong đó du lịch và dịch vụ biển là ưu tiên thứ nhất.

Và Nghị quyết 26 mới đây của Chính phủ cụ thể hóa Nghị quyết 36, trong đó xác định vùng duyên hải Trung bộ ưu tiên phát triển các trung tâm du lịch lớn của quốc gia, tập trung các khu du lịch phức hợp quy mô lớn, trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao…

Nhưng nhìn vào thực tế, hiện 28 tỉnh duyên hải chỉ chiếm chưa đến 50% GDP cả nước, trong khi mục tiêu tới năm 2030 là đạt 65- 70%. Đây là mục tiêu thách thức cần phải tăng tốc ngành kinh tế biển.

Tại hội thảo “Sức hút đô thị biển” tổ chức ngày 14/10, Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ, hiện Việt Nam có 19 Khu kinh tế biển với quy mô 47 – 48 % GDP của cả nước. Trong đó, GDP của kinh tế thuần biển chiếm 20 – 22% tổng GDP. Đóng góp các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm 98% kinh tế biển, trong đó chủ yếu khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, dịch vụ cảng biển, và một phần là du lịch.

Hiện 28 tỉnh duyên hải chỉ chiếm chưa đến 50% GDP cả nước, trong khi mục tiêu tới năm 2030 là đạt 65- 70%. Đây là mục tiêu thách thức cần phải tăng tốc ngành kinh tế biển.———————

Ông Tuấn nêu, Việt Nam với tiềm năng là bờ biển dài hơn 3.000 km nhưng dọc theo bờ biển từ Vân Đồn có 19 khu kinh tế ven biển, đa phần là tập trung công nghiệp nặng, như Vũng Áng, Nghi Sơn, Dung Quất và nhiều khu kinh công nghiệp nặng khác với việc thâm dụng năng lượng, môi trường, đem đến rủi ro cho môi trường sống, cho sự phát triển ngành du lịch.

“Nhưng điều may là khoảng từ Vân Phong trở đi không có khu kinh tế ven biển được quy hoạch, tạo khoảng trống mà tôi cho rằng đó là tiềm năng trong phát triển kinh tế biển theo hướng tiếp cận công nghiệp không khói”, ông Tuấn nhận định.

Nhìn ở đô thị hóa, ông Tuấn cho rằng tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam vẫn thấp, đến năm 2018 mới đạt 34,8%. Mục tiêu đề là đến 2026 tỷ lệ đô thị hóa là 50%. Đây là thách thức mà cũng chỉ tương đuơng các nước châu Phi. Theo đó, đặt ra đề bài là phải tăng tốc công nghiệp, tăng tốc đô thị hóa, là động lực lớn, yêu cầu cho sự phát triển, đặc biệt là những địa phương có nền tảng thấp về công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Tiềm năng thứ hai là du lịch, Nghị quyết 08 đặt chiến lược du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu đến 2030 Việt Nam thuộc nhóm nước có du lịch phát triển hàng đầu Đông Nam Á, trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 nước có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Ông Tuấn đánh giá đây là mục tiêu khiêm tốn so với lợi thế, tiềm năng của quốc gia về du lịch.

Tầng lớp trung lưu Việt Nam tăng nhanh

Cơ sở về niềm tin tăng trưởng là sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu Việt Nam tăng cực nhanh, có khả năng đuổi kịp các nước mới công nghiệp hóa.

Theo WB, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam năm 2020 là 15% dân số, tức khoảng 15 triệu người, bằng dân số Hong Kong cộng với Singapore, 2 nước công nghiệp hóa mới. Dự báo đến 2025 là 25 triệu người, gần bằng dân số Đài Loan và đến 2045 dự báo có 50 triệu người, tương đương dân số nước công nghiệp hóa khác là Hàn Quốc.

Số lượng người siêu giàu của Việt Nam gia tăng rất nhanh. Việt Nam có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh thứ 2 thế giới trong thập kỷ qua, tốc độ 14%/năm.

Sự gia tăng dân số của tầng lớp trung lưu, trong đó có nhóm siêu giàu đặt ra nhiều nhu cầu nhiều tiềm năng, thay đổi cấu trúc tiêu dùng của xã hội.

“Ban đầu là nhu cầu ăn mặc ở, nhưng thu nhập tăng lên thì thay đổi tiêu dùng xã hội, một trong đó là tiềm năng sở hữu tài sản. Trước đây có căn nhà ở để an cư lập nghiệp, sau đó có nhu cầu về sở hữu tài sản thứ 2”, ông Tuấn đánh giá.

Thông thường có thể mua ở lân cận thành phố họ đang cư trú, nhưng tài sản thứ 2 là kênh đầu tư chứ không còn là để ở nên đặt ra bài toán về suất sinh lời tiềm năng cũng như sự đa dạng hóa.

“Nếu đầu tư vào hết TP.HCM, tức bỏ hết trứng vào một rổ, khi TP có những chính sách thay đổi có thể gặp rủi ro. Như vậy cơ hội mở ra sang vùng lân cận TP ra như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận… đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đối diện nhiều thách thức”, ông Tuấn nêu.

Chuyên gia này cho rằng, số lượng người có nhu cầu đi nghỉ dưỡng ra ngoài thành phố vào cuối tuần tăng lên, đặc biệt là nhờ vào hệ thống đường sá, cao tốc mà có thể di chuyển dễ dàng và thuận lợi hơn. Ngoài việc nghỉ dưỡng, second home còn là một kênh đầu tư hiệu quả cho dòng tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư.

Một cơ hội nữa được ông Tuấn chỉ ra nữa là đến từ dân số già. Bởi dân số già hóa thì nhu cầu về sức khỏe, an sinh và năng động cả về kinh tế và xã hội có thể có những đóng góp không ngừng cho xã hội. Du lịch chăm sóc sức khỏe cho người già và du lịch hưu trí sẽ có cơ hội phát triển…

Lấy tình huống minh họa về vấn đề chiến lược công nghiệp hóa, đô thị hóa trong tương lai, ông Tuấn đề cập tới Phan Thiết. Vị này cho rằng, Phan Thiết nằm vùng trống của hành lang các khu kinh tế ven biển, ở vùng lõi cụm ngành du lịch phát triển bậc nhất Việt Nam cùng với TP.HCM, Đà Lạt, Nha Trang và Vũng Tàu. Hơn nữa, điều kiện tự nhiên ở Phan Thiết như biển xanh, cát trắng, nắng vàng quanh năm, số ngày nắng trên 300 ngày/năm.

“Trục trặc về mặt chiến lược của chúng ta trong công nghiệp hóa khi làm cảng phục vụ cho ngành công nghiệp khai khoáng đã làm Bình Thuận tụt lại ít nhất 10-15 năm so với các địa phương khác.”Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam

Phan Thiết hội tụ đủ điều kiện thiên nhiên để trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của du khách. Chưa kể, hệ thống hạ tầng như các tuyến cao tốc và sân bay đang động lực phát triển cho khu vực này với cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, rút ngắn thời gian tối ưu còn 2h; Sân bay Long Thành, Phan Thiết được xã hội hóa, hệ thống cảng biển, tàu lửa…

Cách đây 15 năm khi du lịch Đà nẵng còn chưa phát triển như hiện nay, Đà Lạt, Nha Trang mới chớm nở thì lúc đó Bình Thuận đã được mệnh danh là thủ đô resort của cả nước, rất nhiều khu resort mọc lên.

“Lúc đó những tưởng Bình Thuận đã có thể cất cánh rồi. Nhưng trục trặc về mặt chiến lược của chúng ta trong công nghiệp hóa khi làm cảng phục vụ cho ngành công nghiệp khai khoáng đã làm Bình Thuận tụt lại ít nhất 10-15 năm so với các địa phương khác. Đó là hố sụt so với các địa phương khác của Bình Thuận”, ông Tuấn đánh giá.

Cần phải có những doanh nghiệp lớn, nghĩ lớn, làm lớn 

Tại hội thảo, ông Tuấn cũng chia sẻ về quan ngại về việc tài nguyên du lịch được phân bổ cho những nhà đầu tư không xứng tầm, không có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, tham vọng biến tài nguyên phát triển mang lợi ích cho địa phương, đất nước.

“Sau khi được chính quyền phân bổ cho tài sản, họ rào lại, bán vé thu tiền, chấm hết. Nhiều tài nguyên bị lãng phí như vậy. Cần có những doanh nghiệp tốt, có năng lực, tiềm lực, kinh nghiệm quản trị, đặc biệt là có tham vọng lớn, hiện thực hóa được biến tài nguyên thành tài sản quốc gia, mang lại thu nhập việc làm, phúc lợi cho người dân”, chuyên gia từ Fulbright nêu.

Theo đó, ông Tuấn cho rằng phải có doanh nghiệp lớn vào, triển khai các dự án thương mại lưu trú, giải trí, văn hóa… đô thị biển phải đi liền tiện ích chứ không chỉ là xây những tòa nhà, gom người dân tới rồi thành đô thị hỗn tạp. Phải là sự tham gia của các tập đoàn lớn góp phần định nghĩa 1 đô thị hiện đại.

“Cần phải có những doanh nghiệp lớn, nghĩ lớn, làm lớn để trở thành “con sếu đầu đàn” dẫn dắt trong phân khúc này. Không thể phát triển một cách tràn lan, đầu tư theo phong trào được”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Và để thị trường phát triển bền vững, ông Tuấn cho rằng, cần có một số ưu tiên về chính sách của Nhà nước như thúc đẩy công nghiệp hóa không khói. Những thâm dụng năng lượng, môi trường cần cân nhắc lại, tránh những sai lầm. Phát triển đô thị hóa cần có trọng tâm và cần có chiến lược đối với vấn đề già hóa dân số.

Đồng thời, cũng cần phải sớm hoàn thiện các chính sách về quy hoạch, đất đai, sở hữu tài sản, pháp lý… như vấn đề pháp lý cho condotel như thế nào, phải theo xu hướng của các nước, bởi đó là xu hướng tất yếu.

Không ngừng thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Cần sớm triển khai nhanh hệ thống cao tốc Bắc – Nam và cao tốc liên kết các Vùng kinh tế trọng điểm. Sớm khởi công sân bay quốc tế Long Thành, hạ tầng viễn thông, 5G, điện, nước…

“Anh làm tốt những việc nhà nước như vậy còn lại hãy để thị trường tự vận hành”, ông Tuấn nêu quan điểm.