Sốt ảo, chủ yếu xuất phát từ tin đồn, biên độ tăng giá khủng khiếp trong thời gian ngắn, nhu cầu sử dụng đất không có, đa số đến từ nhu cầu đầu cơ. Sốt ảo dựa vào các thông tin về hạ tầng, quy hoạch, siêu dự án nhưng chưa được kiếm chứng chính xác. Đó là thị trường của một nhóm nhà đầu cơ lợi dụng thông tin để tạo tâm lý đám đông. Sốt nhưng giao dịch, thanh khoản dự án lại là dấu chấm hỏi, đa số là lướt cọc, thời gian sốt nhanh và xuống cũng nhanh (khoảng 3-5 tuần), tuy vậy hậu quả của cơn sốt có thể kéo dài vài năm sau, hệ luỵ cho những người ở lại sau.
Còn sốt thật, theo ông Thắng được hiểu là, việc tăng giá BĐS được hưởng lợi trực tiếp từ các thông tin hạ tầng, quy hoạch, chính sách hiện hữu. Trong đó, tỉ trọng tăng giá phù hợp với lợi ích mà các thông tin thị trường mang lại, nhu cầu của người mua phải thực, không kiểu lướt cọc sang tay…
Khi được hỏi, sau cơn sốt, liệu đất nền còn là mảnh đất màu mỡ cho NĐT?, ông Võ Hồng Thắng cho rằng, đất nền vẫn là phân khúc được nhiều NĐT lựa chọn từ trước đến nay. Không thể phủ nhận loại hình này đem lại lợi nhuận cao hơn hẳn so với các phân khúc khác.
Tuy vậy, việc đầu tư đất nền trong bối cảnh tình hình khó khăn như này, NĐT cần xác định rõ là chiến lược đầu tư trung dài – hạn, rất khó để lướt sóng lúc này. Khi dịch bùng phát như hiện nay, mặt bằng giá BĐS cũng đã tăng cao, để sinh lợi thì NĐT phải đầu tư từ 3-5 năm. Đồng thời, NĐT cũng quan sát kỹ các yếu tố như, chọn địa phương đầu tư cần quan sát rõ, tìm hiểu kỹ dự án, thông tin quy hoạch, định giá BĐS mình muốn mua xem đã phù hợp hay chưa; tiềm năng tăng giá của BĐS mua, có yếu tố nào tạo nên sự tăng giá trong tương lai hay không.
"Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, theo tôi, NĐT hạn chế hết sức việc vay ngân hàng để đầu tư BĐS, nếu có vay tỉ lệ vừa phải và phải cân đối được dòng tiền trả cho khoản vay đó", ông Thắng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Mai Đức Toàn, Giám Đốc Khối Kinh Doanh và Tiếp Thị Tập đoàn CNT cho hay, không thể phủ nhận, Covid -19 và cơn sốt đất "hạ nhiệt" tạo nên ảnh hưởng kép tiêu cực đến thị trường BĐS, khiến tâm lý nhà đầu tư dao động. Tuy nhiên ảnh hưởng của hai yếu tố này chỉ là tạm thời, không đáng quan ngại và không ảnh hưởng nhiều đến thị trường trong dài hạn.
Hậu sốt đất và Covid là thời điểm để nhà đầu tư đánh giá lại toàn diện thị trường và sắp xếp các danh mục đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, đa phần các nhà đầu tư sẽ thêm một lần thận trọng và "bĩnh tĩnh" hơn trước những thông tin quy hoạch, là bài học cần thiết để thị trường BĐS phát triển theo hướng minh bạch, bền vững hơn.
"Theo tôi, giữa lúc thị trường đang gặp thách thức và khó khăn, kết hợp với những cơn sốt đất hạ nhiệt, nhà đầu tư nên chuẩn bị nguồn dòng vốn hướng tới đầu tư trung – dài hạn. Chúng ta không nên kỳ vọng nhiều vào việc đầu tư lướt sóng không chỉ ở thời điểm này mà cả trong vài năm tới. Do thị trường BĐS Việt Nam trong 5 năm trở lại đây đã thiết lập nên mặt bằng giá mới trên diện rộng", ông Toàn nhấn mạnh.
Đồng thời, tại thời điểm dịch bệnh đang diễn ra, nhà đầu tư nên cẩn trọng trước mỗi quyết định giao dịch. Vì hiện tại những dòng tiền chảy vào BĐS như kiều hối, tiết kiệm, sản xuất kinh doanh…, đều đang bị chậm hơn so với đầu năm. Chỉ khi nào dịch bệnh kết thúc, đồng thời các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế rõ ràng hơn, lúc đó mới có thể lạc quan về sức khỏe của thị trường BĐS. Chính vì vậy, thời điểm phục hồi của thị trường BĐS vẫn phải chờ cột mốc dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, khi đó thị trường BĐS mới có thể đoán định được.
Nhà đầu tư cũng nên lưu ý một số yếu tố cần tránh trong và sau thời điểm nhạy cảm này như việc dốc tiền mua BĐS theo phong trào, mua nhà đất có giá trị quá lớn so với tiềm lực tài chính, dồn trứng vào một rổ,… Đặc biệt, hạn chế sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính, tỷ lệ vay vốn khi đầu tư vào BĐS cao (từ khoảng 50 – 80%) nhà đầu tư sẽ bị áp lực trả lãi và vốn gốc. Nếu như thanh khoản kém nhà đầu tư sẽ mất dần lợi nhuận theo thời gian khi bị thâm hụt dòng tiền vì phải trả lãi ngân hàng, thậm chí phải bán tháo BĐS với giá thấp.