TIN TỨC NỔI BẬT

Người dân quay cuồng trong cơn sốt đất khu Nam Đà Nẵng
admin - 2020-06-15 14:07:26 - custom.view 1237

Suốt 4 năm qua, hàng nghìn người đã đổ về tìm mua đất tại khu vực quy hoạch Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (còn được gọi bằng cái tên “thương mại” hơn là Nam Đà Nẵng).

Mòn mỏi chờ nhận đất tái định cư

Giữa buổi trưa tháng 8, ông Phan Hoa (khối Viêm Minh, phường Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam) loay hoay với đống gạch, đá, vôi, vữa tại công trình nhà của người khác trên mảnh đất đã từng là của ông. Từ khi mấy thửa đất ruộng của gia đình ông bị thu hồi để làm dự án, ông Hoa trở thành "thợ đụng" nghĩa là "đụng đâu, làm đó" với tiền công mỗi ngày hơn 100.000 đồng.

Vừa lau mồ hôi, ông vừa kể, đầu năm nay, khi Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bách Đạt (Công ty Bách Đạt) làm dự án bất động sản tại đây, chủ đầu tư thuyết phục gia đình ông giao lại hơn 900m2 đất nông nghiệp có sổ đỏ để họ san lấp, phân nền làm dự án. Khi ông giao đất, Công ty Bách Đạt sẽ bán cho ông lô đất dự án diện tích 125-128m2 (đường 5,5m hoặc 7,5m) với giá chỉ 2,6 triệu/m2.

Công ty Bách Đạt và ông Hoa đã cùng cam kết bằng giấy viết tay. Theo đó, số tiền chênh giữa lô đất ông mua và 900m2 đất nông nghiệp sẽ được Công ty Bách Đạt cam kết hỗ trợ 100%. Mỗi thành viên trong gia đình ông còn được công ty này hỗ trợ 40 triệu đồng để chuyển đổi công việc.

Sau khi ông Hoa giao đất, tiền hỗ trợ chuyển đổi công việc ông đã được nhận nhưng lô đất bán cho ông vẫn chưa thấy đâu. Ông nhiều lần tìm đến chủ đầu tư để hỏi nhưng chỉ nhận được lời khất hẹn.

Ông Hoa kể: "Đợi lâu quá, tui đi hỏi thì mới biết lô đất người ta đã chỉ và hứa bán cho tui trước đây đã được bán lại cho khách hàng khác. Đến giờ, nghe đâu giá của lô đất đó đã là 1,6 tỷ đồng".

sốt đất khu Nam Đà Nẵng
Hiện thực của khu Nam Đà Nẵng, nơi các chủ đầu tư
và các sàn môi giới vẽ lên là những khu đô thị kiểu Nhật, châu Âu

Gia đình ông Nguyễn Quý (thôn 3, phường Điện Ngọc) hơn 10 năm qua phải mòn mỏi đi xin và chờ được cấp lại đất tái định cư. Nằm trong quy hoạch Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, dự án Khu đô thị số 7B (Khu 7B) được triển khai thực hiện vào năm 2004. Khi giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư Dự án Khu 7B khi đó là Công ty CP Công trình giao thông vận tải Quảng Nam cam kết sẽ cấp 4 lô tái định cư mới cho ông Quý và các con của ông.

Đất chưa được cấp thì một thời gian sau, dự án có chủ đầu tư mới là Công ty Bách Đạt. Công ty này tiếp tục cam kết sẽ cấp cho gia đình ông Quý 4 lô đất với diện tích mỗi lô là 147m2. Đến năm 2006, chủ đầu tư giảm diện tích mỗi lô xuống còn 125m2 và cam kết sẽ cấp thêm một lô 88m2 để bù vào diện tích đã giảm.

Hơn 10 năm qua, từ khi thực hiện Dự án Khu 7B, gia đình ông phải chạy ngược chạy xuôi để đi hỏi về lô đất sẽ được nhận nhưng cả chủ đầu tư và chính quyền địa phương đều chỉ nói những lời khất hẹn.

Nông dân rơi vào cảnh thất nghiệp

Một khu vực gồm chuỗi các đô thị nguy nga theo nhiều phong cách như châu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... được vẽ ra từ các bản phối cảnh 3D của các chủ đầu tư dự án và sàn giao dịch. Nhưng thực tế, đó chỉ là những khu đất còn ngổn ngang, mới làm đường, lát vỉa hè sau khi lấp các thửa ruộng của người dân địa phương.

Nhiều người dân khi mất ruộng trở thành thất nghiệp hoặc đi làm "thợ đụng" như ông Hoa. Ông Hoa kể: "Nhà tui hồi trước nuôi 12 con bò. Mấy năm nay, đất bị thu hồi làm dự án, không còn cỏ cho bò ăn, nên cũng phải bán đi, gia đình không có công ăn việc làm ổn định".

Tương tự, bà Nguyễn Thị Bé cũng trong khối Viêm Minh cho biết, năm 2017, gia đình bà giao 3 thửa đất ruộng với diện tích 1.099m2 cho nhà đầu tư là Tập đoàn Đất Quảng. Vì chưa thống nhất được giá đền bù và chính sách hỗ trợ nên gia đình bà vẫn chưa nhận được tiền đền bù.

Bà Bé nói: "Bảng giá hỗ trợ đền bù hơn 1.000m2 đất là 49 triệu đồng, nhưng chủ đầu tư không hỗ trợ chuyển đổi công việc, nên gia đình vẫn chưa nhận. Ruộng thì vẫn còn đó, nhưng do xung quanh đã đổ đất làm dự án nên bị úng thủy, không làm gì được".

Phó trưởng thôn khối Viêm Minh, ông Nguyễn Út chia sẻ, phần lớn đất thu hồi làm dự án là đất nông nghiệp, hoa màu... nên người dân phải chuyển sang làm nghề khác. Ông Út nói: "Số thanh niên từ 18-30 tuổi nhanh nhẹn, có sức khỏe thì đi làm công nhân, còn những người trên 40 tuổi thì phần lớn thất nghiệp, ai thuê gì làm nấy, cũng có người nhanh nhẹn hơn thì đi làm môi giới các dự án bất động sản".

Khi khu vực Nam Đà Nẵng quay cuồng trong cơn sốt đất, một bộ phận khách hàng, nhà đầu tư nhờ "lướt sóng", đầu cơ đã "phất lên" nhanh chóng. Trong khi đó, không ít những người nông dân tại đây rơi vào cảnh thất nghiệp.

(Theo Báo Đầu tư Online)