TIN TỨC NỔI BẬT

Sổ hộ khẩu là gì? Giấy tờ gì thay thế khi bỏ sổ hộ khẩu?
admin - 2020-08-25 10:54:36 - custom.view 2004

Dự thảo Luật Cư trú sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang quản lý thông qua dữ liệu điện tử,...

Ngày 22/4, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội sửa luật Cư trú ngay trong năm 2020, bắt đầu bỏ sổ hộ khẩu giấy từ tháng 7/2021.

Thay mặt Chính phủ trình bày dự thảo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Chính phủ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy để chuyển sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân, trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cùng với việc bỏ sổ hộ khẩu giấy và các quy định liên quan, Bộ Công an dự kiến sẽ bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú.

Trước hết, cần hiểu sổ hộ khẩu là gì, có chức năng như thế nào? Và, khi bỏ sổ hộ khẩu thì sẽ thay thế bằng giấy tờ gì?

Sổ hộ khẩu là gì?

Sổ hộ khẩu là hình thức quản lý nhân khẩu trong các hộ gia đình. Đây là công cụ và thủ tục hành chính giúp Nhà nước quản lý việc di chuyển, sinh sống của công dân Việt Nam.

Cơ quan nào có chức năng cấp sổ hộ khẩu? 

Cơ quan Công an là bộ phận cấp sổ hộ khẩu. Khi có sự thay đổi chỗ ở, nhân sự hay các vấn đề liên quan đến quyền lợi như phân chia ruộng đất, nhà ở, việc làm, giấy tờ… công dân phải tiến hành thay đổi hộ khẩu. Các thủ tục có thể bao gồm: Tách, nhập, khai báo tạm trú, tạm vắng…

Ở một số quốc gia khác, thay vì quản lý bằng sổ hộ khẩu, họ sử dụng hộ chiếu EU, căn cước, thẻ bảo trợ xã hội hay mã số công dân.

Kích thước sổ hộ khẩu

Sổ hộ khẩu ký hiệu là HK08, được in trên khổ giấy 120mm x 165mm, in màu, có 20 trang do Bộ Công an in và phát hành.

Tại Dự thảo lần 2 Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến người dân, Bộ Công an đề xuất bỏ toàn bộ hoặc một phần thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu giấy.

Thông tin sổ hộ khẩu

Khi ghi biểu mẫu, thông tin cần chính xác, rõ ràng, đầy đủ, không bỏ sót. Ngoài ra, các cột mục phải ghi theo đúng chú thích, thứ tự từng trang, cấm tẩy xóa hoặc tự ý bổ sung. Quy định về thông tin ghi biểu mẫu như sau:

1. Thông tin cá nhân: Họ tên ghi bằng chữ in đậm, có dấu. Ngày tháng năm sinh theo dương lịch, đầy đủ 2 chữ số cho ngày tháng và 4 chữ số cho năm sinh. Ghi đầy đủ số chứng minh nhân dân, hộ chiếu. Nơi sinh, nguyên quán, quốc tịch, dân tộc ghi theo giấy khai sinh. Nghề nghiệp, nơi làm việc ghi rõ cơ quan, đơn vị kèm địa chỉ. Địa chỉ cư trú ghi đầy đủ sổ nhà, tổ, phường, thôn xóm…

2. Bản khai nhân khẩu: Trình độ học vấn ghi trình độ cao nhất. Trình độ chuyên môn ghi rõ ngành đào tạo. Trình độ ngoại ngữ ghi rõ văn bằng. Tóm tắt về bản thân ghi đầy đủ các khoảng thời gian. Tiền án, tiền sự ghi rõ tội danh, mức án, hình phạt.

3. Phiếu thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu: Ghi rõ họ tên và quan hệ với chủ hộ. Mục nội dung thay đổi nên ghi tóm tắt. Ý kiến chủ hộ ghi rõ là đồng ý hay không, ký tên kèm ngày tháng năm. Sau đó công an mới có quyền xác nhận.

Chức năng của sổ hộ khẩu

Xác định nơi cư trú

Sổ hộ khẩu thể hiện nơi cư trú của cá nhân thường xuyên sinh sống. Trong một vài trường hợp, nếu không xác định được nơi ở thì sổ hộ khẩu chính là bằng chứng ghi nơi cư trú người đó đang sinh sống.

Quyền chuyển nhượng, mua bán và sở hữu đất

Để thực hiện quyền chuyển nhượng, mua bán đất, sổ hộ khẩu là một giấy tờ chứng nhận, văn bản pháp lý trong trường hợp nhận thừa kế. Nó còn đảm bảo thi hành án cho các trường hợp liên quan đến quyền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất…

Các thủ tục hành chính và giấy tờ

Sổ hộ khẩu là một giấy tờ pháp lý, vì vậy nó rất cần thiết trong quá trình thực hiện các thủ tục như đăng ký thường trú, tạm trú, chuyển tách hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, xóa hay xác nhận đăng ký thường trú… Ngoài ra, các thủ tục hành chính liên quan giấy phép kinh doanh, đăng ký kết hôn, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, khai sinh, khai tử hay hồ sơ xin việc… đều cần đến hộ khẩu làm giấy tờ chứng thực.

Đăng ký sổ hộ khẩu ở đâu?

Theo Điều 10 Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định về đăng ký tạm trú như sau: Sổ hộ khẩu được cấp cho cá nhân hoặc hộ gia đình đã đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 24, Điều 25 và Điều 26 Luật Cư trú. Sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.

Công dân thay đổi nơi thường trú ngoài phạm vi xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh, ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài phạm vi thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì được cấp sổ hộ khẩu mới.

Như vậy, khi bạn đăng ký thường trú thì sổ hộ khẩu được cấp cho cá nhân hoặc hộ gia đình.

Thủ tục đăng ký sổ hộ khẩu

Như đã nói ở trên, khi đăng ký thường trú sẽ được cấp sổ hộ khẩu. Thủ tục đăng ký thường trú bao gồm:

Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:

a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;

b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:

a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;

b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật Cư trú;

c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc Trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật Cư trú.

Thời gian cấp sổ hộ khẩu

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Theo Linh Chi(Reatimes)