TIN TỨC NỔI BẬT

Thị trường bất động sản 2024 sẽ nghiêng về kịch bản nào?
admin - 2024-04-17 17:29:00 - custom.view 403

Nhiều kịch bản được đặt ra cho thị trường Bất động sản từ nay đến hết năm 2024, tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng khả năng cao thị trường sẽ phục hồi nhanh và phát triển mạnh nhưng cần có các yếu tố đòn bẩy.

Thị trường bất động sản 2024 sẽ nghiêng về kịch bản nào?

Nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản 2024 đang phục hồi. Ảnh minh hoạ

Thị trường đang phục hồi

Tại một toạ đàm diễn ra vào sáng 16.4, một số kịch bản được đưa ra cho thị trường năm 2024 gồm có: Một là xu thế phục hồi chậm nếu các chính sách tác động đến thị trường không có gì đột biến; Hai là phục hồi nhanh và phát triển mạnh nhưng cần có các yếu tố đòn bẩy như vốn đầu tư nước ngoài tăng, hoàn thiện văn bản dưới các luật, nới lỏng chính sách tiền tệ tài chính; Ba là thoái trào nếu không có nguồn lực và động lực để phát triển.

Trong ba kịch bản này, ông Bùi Quý Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Flamingo cho rằng, thị trường sẽ nghiêng về kịch bản thứ 2, là đang trên đà phục hồi.

“Nói một cách lạc quan thì thị trường vẫn đang trên đà phục hồi. Bởi nếu nói là phục hồi nhanh thì cũng không đúng.

Các luật như Luật nhà ở và kinh doanh bất động sản, Luật tổ chức tín dụng, Luật đất đai đang xin ý kiến các đơn vị liên quan để làm sao để có hiệu lực sớm nhất là ngày 1.7.2024. Tôi nghĩ sẽ có một độ trễ nhất định nhưng thị trường sẽ dần dần phục hồi trở lại”, ông Trung nhận định.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, thị trường đang phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, theo ông Hải, điều kiện đủ không phải là vốn đầu tư nước ngoài.

“Thị trường đang phục hồi và phát triển nhưng không nhất thiết phải có yếu tố đầu tư của nước ngoài. Bởi vì yếu tố trong nước tôi cho rằng cũng đủ cơ sở để chúng ta phát triển”, ông Hải nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Đức cũng đồng tình với kịch bản 2, tuy nhiên theo ông, chúng ta cần xem xét lại một chút. “Bởi vì thị trường không thể phục hồi mạnh mẽ ngay khi các dự thảo luật, các biện pháp tháo gỡ sẽ cần thời gian để đi vào thực tế”, ông Đức lý giải.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong điều hành vĩ mô, Chính phủ đang hướng đến những việc để khắc phục, tháo gỡ những vấn đề đang tạo ra sự khủng hoảng, suy thoái từ những năm 2022-2023 vừa qua. Những tháo gỡ đó đã diễn ra trong năm 2023 với một chuỗi điều hành, chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ và đang có kết quả.

Cụ thể, chúng ta duy trì được nhịp tăng trưởng kinh tế, ngăn ngừa nguy cơ lạm phát, tỷ giá. Gần đây tỷ giá có tăng lên nhưng ngân hàng Nhà nước đã cam kết có giải pháp để ổn định lại.

Về thể chế, ông Đính cho biết, ít nhất trong tháng 7 có một phần của 4 Luật đã có thể được tháo gỡ.

“Khi điểm nghẽn pháp lý được tháo gỡ, Nghị định được ban hành theo chỉ đạo của Chính phủ phải có hiệu lực, cơ sở ngay để các địa phương gỡ vướng cho các dự án đang nằm đợi. Lúc đó, các dự án sẽ được triển khai, công trường lại vang tiếng máy, công nhân lại đến kích hoạt các hoạt động khác phục vụ công trường ấy”, ông Đính phân tích.

Những điều đó cho thấy, kinh tế sẽ có sự bắt đầu tăng lên. Nguồn hàng trên thị trường bắt đầu được đẩy vào. Nguồn cung được bơm ra, giảm áp lực cầu cao cung thấp, làm thỏa mãn việc mua bán đầu tư, dòng tiền cũng sẽ tuần hoàn. “Tất cả điều đó sẽ diễn ra sau khi có độ ngấm của chính sách, làm tăng sự lưu thông của nền kinh tế”, ông Đính nhấn mạnh.

Nhận diện xung lực

Đại diện Mai Việt Land cho rằng, trong năm nay sẽ có một số xung lực như vốn đầu tư công, với giải ngân 659.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 432.000 tỷ đồng sẽ giải ngân về hạ tầng.

Thứ hai là nguồn vốn FDI, trong quý 1 tăng khoảng 14% so với cùng kỳ, với bất động sản đứng thứ hai, vào khoảng 1,4 tỷ USD.

Thứ ba về vấn đề cho vay người mua nhà khi lãi suất thấp; dòng tiền cũng có thể đổ về từ các kênh như vàng, tỷ giá… Những yếu tố này sẽ góp phần tạo đà cho thị trường bất động sản 2024 phục hồi nhanh và phát triển.

Đại diện Flamingo cho biết, trong chu kỳ 10 năm thì năm 2013 chúng ta bị thắt chặt dòng tín dụng bất động sản. Năm 2023, Chính phủ thì cũng thắt chặt thị trường vốn đổ vào thị trường bất động sản.

Nhưng đến năm 2024 thì Chính phủ lại rất quyết liệt trong việc tháo gỡ khó khăn này. Thứ nhất, vấn đề pháp lý thì Chính phủ cũng đang quyết tâm để tháo gỡ. Thứ hai, đối với thị trường tài chính, thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã được Chính phủ đưa ra các đề xuất để giãn nợ, khoanh vùng.

Hai điều kiện lớn nhất là pháp lý và tài chính đều đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư hiện giờ đã rất khác.

Theo ông Bùi Quý Trung, tỷ lệ tiền gửi vào trong hệ thống ngân hàng cao kỷ lục. Mặc dù lãi suất rất thấp nhưng nhà đầu tư vẫn không rút ra khỏi hệ thống ngân hàng và họ vẫn cho rằng ngân hàng là kênh gửi tiền tốt, an toàn hơn và chưa quay trở lại với thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, điểm tích cực của thị trường hiện nay là thị trường chứng khoán đang có những dấu hiệu phục hồi tốt, giá vàng đang khá cao và tỉ lệ biến động cũng tương đối lớn. “Chính vì vậy, chúng tôi cũng tin là đó cũng là cơ sở để các nhà đầu tư bắt đầu quay trở lại với thị trường bất động sản vào giai đoạn quý 3 và quý 4 năm nay”, ông Trung nhận định.