TIN TỨC NỔI BẬT

Thị trường condotel khó giữ chân người mua
admin - 2020-06-15 14:07:26 - custom.view 1588

Xuất hiện tình trạng bán tháo

Sau thời gian dài luẩn quẩn vì chưa tìm ra giải pháp cho thị trường condotel, nhiều nhà đầu tư đang giảm dần hứng thú với sân chơi này và bắt đầu bán bớt nguồn hàng có trong tay để thu hồi vốn, chuyển sang phân khúc đầu tư khác.

Ông Nguyễn Thanh Tiến, một nhà đầu tư Tp.HCM đang rao bán lại gần chục căn hộ condotel tại loạt dự án ở Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc. Nhà đầu tư này cho biết từ cuối 2016 ông liên tiếp mua hơn chục căn hộ condotel tại 6 dự án lớn được chào bán trên cả nước. Tuy nhiên gần 2 năm qua, 4 trong số 6 dự án ông đầu tư vẫn chưa đi vào hoạt động, 2 dự án còn lại không thật sự mang lại lợi nhuận cao như kỳ vọng.

Chán cảnh chờ đợi pháp lý, chờ nguồn khách hàng nhỏ giọt và cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhà đầu tư này quyết định bán bớt 2/3 suất đầu tư của mình để thu hồi vốn, chuyển sang các phân khúc khác hấp dẫn hơn. “Tôi vẫn giữ lại 3 căn hộ tại dự án có nhiều lợi thế du lịch vì tin phân khúc này còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên đến khi nào tiềm năng này mới được khai thác thì tôi không dám chắc”, ông Tiến nói.

thị trường căn hộ codotel
Nhiều nhà đầu tư đang rút vốn khỏi thị trường căn hộ condotel. Ảnh minh họa

Cũng đến với condotel với ý định đầu tư dài hạn, anh Trần Quý, một nhà đầu tư phía Bắc cho biết giờ đang tìm khách hàng để sang nhượng lại 2 căn condotel tại một dự án ở Nam Đà Nẵng. “Yếu tố pháp lý không phải vấn đề tôi quan tâm mà do thấy không tin tưởng vào cam kết lợi nhuận của các chủ đầu tư. Loại hình này đang bùng nổ quá mạnh với nguồn cung ngày càng nhiều, cạnh tranh trở nên khó khăn hơn. Các cam kết trước đây của chủ đầu tư cũng bắt đầu phát sinh vấn đề, nhiều điểm bất lợi với người mua nên tôi quyết định rút vốn, trước mắt sẽ chuyển sang đầu tư căn hộ”, anh Quý chia sẻ.  

Không xác định đầu tư lâu dài nhưng nhiều khách hàng ôm mộng mua vào bán ra, lướt sóng condotel cũng lục đục rút khỏi sân chơi này. Một khách hàng tại quận 10, Tp.HCM cho biết đang cần bán gấp căn hộ condotel tại Phú Quốc với giá gốc. Theo vị này, không chỉ ông mà nhiều nhà đầu tư khác cũng đang có nhu cầu rao bán lại các căn condotel đã mua để thu hồi vốn và chuyển sang lĩnh vực khác.

Thiếu pháp lý, cam kết lợi nhuận mất “thiêng”

Theo tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, thị trường hiện đang nhan nhản các tin rao bán căn hộ condotel từ nhà đầu tư. Có người rao bán giá gốc, cũng có nhiều người nói chấp nhận bán lỗ để thoát thân. Dù rao bán cắt lỗ hay giá gốc chủ đầu tư, tình hình chung vẫn là khó kiếm được người có nhu cầu mua.

Một môi giới cho biết đang rao bán căn hộ Condotel Intercontinental Phú Quốc diện tích 45m2 với giá 2,5 tỷ (giá gốc hợp đồng là 3,3 tỷ) nhưng gần 3 tháng nay vẫn không có khách hỏi. Cùng số phận, nhiều căn hộ condotel Lê Thánh Tôn Nha Trang bán giá thấp hơn từ 50-100 triệu so với giá mua vào vẫn có rất ít giao dịch. Dự án condotel Ariyan Furama Đà Nẵng từng rất hút khách khi bán sơ cấp, hiện có nhà đầu tư rao giá 1,9 tỷ/căn (giá gốc 2 tỷ) vẫn không tìm được người mua. Tương tự, dự án condotel FLC Hạ Long có căn đang rao bán thấp hơn thị trường 250 triệu đồng nhưng cả tháng không chốt được giao dịch…

Đại diện một công ty môi giới tại Đà Nẵng cho biết, giao dịch condotel đang gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu ủy thác bán lại cao gấp nhiều lần so với nhu cầu mua vào. Trước đây, nguồn cung condotel ồ ạt tung ra đi kèm cam kết lợi nhuận 10-15%/năm thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia. Thời điểm hiện nay, phần lớn các nhà đầu tư đều nhận thấy việc cho thuê gặp nhiều khó khăn hoặc ủy thác kinh doanh lợi nhuận thấp. Thậm chí, giá condotel không tăng như kỳ vọng, cũng không thể lướt sóng do pháp lý yếu. Nhiều nhà đầu tư vay vốn ngân hàng để sở hữu condotel phải chấp nhận lãi suất tháng mà giá thu về từ căn hộ không bù nổi nên buộc phải bán ra.

“Khách mua thì lo lắng việc sở hữu các căn hộ nên khi mua họ thường yêu cầu phải có văn bản cam kết bàn giao sổ từ chủ đầu tư. Tuy nhiên đến nay hầu như chưa có chủ đầu tư nào dám đưa ra cam kết này. Hợp đồng mua bán loại hình này không thể hiện rõ về việc sở hữu như thế nào nên người mua càng nghi ngại. Bên cạnh đó, bùng nổ nguồn cung cũng là nguyên nhân khiến condotel mất dần hấp lực, nhà đầu tư lo sợ lợi nhuận cam kết khó được như các chủ đầu tư vẽ ra”, vị đại diện công ty môi giới nói trên cho hay.

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nhiều chủ đầu tư quảng cáo các sản phẩm condotel được cấp sổ đỏ, điều này là không đúng. Dạng BĐS nghỉ dưỡng này chỉ được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng với thời hạn 30, 50 năm, hoặc tối đa là 70 năm, nhưng số này rất ít. Bộ máy luật cũng khó có thể thay đổi chỉ để hợp thức hóa cho condotel.

Thực tế,  lượng tiêu thụ condotel vẫn liên tục giảm qua các quý dù đã áp dụng mức chiết khấu và cam kết lợi nhuận cao. Theo số liệu của DKRA Việt Nam, trong quý I/2018, sức tiêu thụ của condotel chỉ đạt 19% (tương đương 387 căn) giảm 64% so với quý IV/2017. Trong khi đó, kế hoạch của các chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng là trong giai đoạn 2017-2019, bình quân luỹ kế mỗi năm sẽ đưa ra thị trường 27.000-29.000 căn hộ loại này. Bài toán pháp lý chưa giải, áp lực cạnh tranh từ nguồn cung tăng sẽ khiến phân khúc condotel tiếp tục gặp khó trong việc tìm kiếm khách hàng.

Phương Uyên

(Theo Enternews)