TIN TỨC NỔI BẬT

Thống nhất phương án thiết kế đường gom và lịch giao mặt bằng dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng
admin - 2022-12-01 14:51:00 - custom.view 776

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố dự án chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp với các chủ đầu tư dự án thành phần để thỏa thuận các nội dung về hướng tuyến, đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt, nút giao theo một số nguyên tắc…

Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Thành phố Cần Thơ khẩn trương triển khai Nghị quyết 91/NQ-CP ngày 25/7/2022 của Chính phủ về dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là dự án cao tốc đầu tiên cho đến nay của vùng đồng bằng sông Cửu Long được đưa vào sử dụng.
Nguồn: https://vneconomy.vn/

THỐNG NHẤT PHƯƠNG ÁN THIẾT KẾ ĐƯỜNG GOM

Để triển khai dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Bộ Giao thông vận tải các địa phương thành lập ban chỉ đạo dự án. Đồng thời, khẩn trương rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự các chủ đầu tư, ban quản lý dự án bảo đảm đủ năng lực, kinh nghiệm theo quy định pháp luật để triển khai các dự án thành phần được phân cấp làm cơ quan chủ quản.

Chính quyền các tỉnh, thành dự án được yêu cầu chỉ đạo các sở, ngành, quận huyện liên quan phối hợp với các chủ đầu tư các dự án thành phần thỏa thuận các nội dung về hướng tuyến dự án, đường gom dự án, hầm chui dân sinh, cầu vượt, nút giao,…theo một số nguyên tắc.

Đường gom là đường kết nối dân sinh, các địa phương thống nhất quy mô chủ yếu theo đường giao thông nông thôn loại A hoặc loại B, tùy theo nhu cầu. Riêng đối với một số đoạn kết nối khu đông dân cư, xem xét quy mô lưu thông hai làn xe cơ giới.

Đối với hầm chui dân sinh, cầu vượt, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương dư án nghiên cứu tổng thể kết nối giao thông khu vực để luận chứng, lựa chọn vị trí, quy mô cho từng hầm chui, đảm bảo phù hợp. Trong trường hợp khu vực lân cận đã có cầu vượt thì không sử dụng hầm chui có tĩnh không lớn. Các hầm chui có quy mô lớn phải phân tích, so sánh kinh tế - kỹ thuật với phương án cầu vượt nhằm lựa chọn giải pháp phù hợp.

Đối với đường cao tốc đi trùng với đường giao thông địa phương, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn là hoàn trả theo quy mô tương đương đường hiện hữu. Nếu đường hoàn trả kết nối trực tiếp với các quốc lộ đồng thời trùng với quy hoạch của địa phương thì có thể xem xét theo quy hoạch của địa phương, song quy mô không vượt quá hai làn xe cơ giới.

Đối với các hạng mục nút giao, Bộ Giao thông vận tải đề nghị thiết kế chỗ giao nhau trên đường cao tốc phải bảo đảm quy mô cầu vượt ngang cơ bản theo quy mô đường hiện hữu. Nếu địa phương đã có quy hoạch mở rộng đường ngang nhưng phần mở rộng nhưng không đủ để xây dựng thêm một đơn nguyên cầu mới, có thể xem xét xây dựng cầu vượt ngang theo quy mô quy hoạch.

Về nguyên vật liệu phục vụ thi công xây dựng, nhất là vật liệu san lấp, chính quyền các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, thống kê các mỏ vật liệu xây dựng thông thường gồm các mỏ hiện đang khai thác, các mỏ có trong quy hoạch và các mỏ chưa có trong quy hoạch trên địa bàn tỉnh, thành phố để cung cấp cho chủ đầu tư, tư vấn phục vụ điều tra, khảo sát các mỏ vật liệu, bảo đảm trữ lượng và chất lượng, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của dự án.

HOÀN THÀNH BÁO CÁO ĐTM TRƯỚC NGÀY 12/11/2022

Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các dự án thành phần được phân cấp cho địa phương quản lý đến trước ngày 12/11/2022 để Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.

Các địa phương hoàn thành thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần được phân cấp quản lý trước ngày 20/01/2023 và bảo đảm khởi công trước 30/6/2023 như kế hoạch đã đề ra.

Sơ đồ hướng tuyến các dự án thành phần đi qua các địa phương An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.
Sơ đồ hướng tuyến các dự án thành phần đi qua các địa phương An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.

Để các dự án thành phần của dự án được diễn ra đồng bộ, nhịp nhàng, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị các tỉnh, thành An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ chủ trì, phối hợp với Bộ triển khai dự án nhằm bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) liên quan đến các vấn đề kỹ thuật chuyên ngành.

Ngoài ra, Bộ này cũng lưu ý các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc ban hành giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất bảo đảm đúng quy định pháp luật, tuyệt đối không làm tăng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng bất hợp lý.

Tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng gồm 4 dự án thành phần. Cụ thể: Dự án thành phần 1 trên địa bàn tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ có chiều dài hơn 57 km, tổng mức đầu tư ước 13.800 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 thuộc địa bàn TP. Cần Thơ, chiều dài hơn 37 km, tổng mức đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, chiều dài khoảng 37 km, tổng mức đầu tư hơn 9.900 tỷ đồng. Và dự án thành thành phần 4 trên địa bàn hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, chiều dài 57 km, tổng mức đầu tư hơn 11.100 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía đông, dài trên 188 km, đi qua địa bàn 4 tỉnh/thành phố là An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 44.700 tỷ đồng.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc An Hữu - Cao Lãnh là các tuyến cao tốc theo trục ngang của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã được Chính phủ tập trung đầu tư giai đoạn 2023 - 2025 từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.