Tin tức & Sự kiện

Cần nhìn khác về thời hạn sở hữu bất động sản
admin - 2020-06-15 14:07:26 - custom.view 1140

Hàng loạt vướng mắc liên quan đến việc sở hữu bất động sản có thời hạn hay sở hữu vĩnh viễn vẫn chưa được giải quyết.

Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam nở rộ nhiều loại hình mới của BĐS sở hữu có thời hạn. Đơn cử cho hình thức này là loại hình office-tel (căn hộ văn phòng), condotel (căn hộ nghỉ dưỡng), biệt thự nghỉ dưỡng… Thời hạn sở hữu cho nhà đầu tư thường là 50-70 năm.

Không nhất thiết phải sở hữu vĩnh viễn

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam (tập đoàn cung cấp các dịch vụ BĐS), Việt Nam hiện đang song song tồn tại loại hình sở hữu lâu dài và sở hữu có thời hạn. Có nhiều dự án trọng điểm thời hạn sở hữu 50 năm.

Đối với BĐS nghỉ dưỡng, Việt Nam được sở hữu 50-70 năm nhưng tại Thái Lan con số này là 30 năm, Hong Kong và Singapore được sở hữu 99 năm, Trung Quốc 40-70 năm. Hiện nay trên thế giới có tới hơn 70 quốc gia quy định căn hộ để ở chỉ được sở hữu có thời hạn, không có loại hình nào sở hữu vĩnh viễn.

Ở góc nhìn của doanh nghiệp, bà Dung cho rằng không nhất thiết sở hữu BĐS vĩnh viễn mới là có lợi nhất. Nhà đầu tư cần cân nhắc, nhất là thời hạn sở hữu thực sự khi sản phẩm đến tay khách hàng là bao nhiêu, có thể gia hạn không, chi phí ra sao… “Sở hữu vĩnh viễn không phải là lựa chọn duy nhất, đặc biệt nếu bạn là nhà đầu tư. Trên thực tế BĐS sở hữu trong vài chục năm cũng cho chúng ta một số lợi thế về giá, khả năng cho thuê tốt, nhờ đó lợi nhuận sẽ tốt hơn” - bà Dung nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Quang cho rằng nếu giá mua hấp dẫn, cam kết của chủ đầu tư khả quan, đơn vị vận hành uy tín, khả năng khai thác tốt thì sở hữu vô hạn hay hữu hạn không còn quan trọng nữa.

Cần nhiều quyền lợi hơn cho đất sở hữu hữu hạn

Đánh giá về khoảng trống pháp lý đối với các loại hình BĐS mới, GS Đặng Hùng Võ cho rằng từ năm 2014 vấn đề pháp lý cho condotel đã được đặt ra thế nhưng đến nay vẫn chưa rõ ràng. Theo ông, khi khung pháp lý chưa hoàn thiện thì thị trường sẽ không thể phát triển thuận lợi. “Một nhà đầu tư sành sỏi ở Mỹ nhưng về Việt Nam có khi lại run tay không dám quyết vì quá khó ước lượng lợi nhuận” - ông Võ nói.

Vấn đề về sở hữu có thời hạn đối với BĐS không phải là điều mới lạ trên thế giới. Tuy nhiên, điểm cốt lõi là các quốc gia đều đưa ra những ưu đãi rất rõ đối với sản phẩm có thời hạn để khuyến khích người mua. “Ví dụ như thuế chuyển nhượng sản phẩm BĐS sở hữu có thời hạn thường thấp hơn so với BĐS sở hữu vĩnh viễn, giá thành thì rẻ hơn 10%-20%” - bà Dung chỉ ra.

Theo chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển, chắc chắn khung pháp lý cho BĐS sở hữu có thời hạn phải sớm được ban hành vì nó gắn liền với chính sách thu thuế. Việc cấp sổ cho người sở hữu những BĐS như office-tel, condotel là tất yếu nhưng như vậy chưa đủ mà phải bổ sung nhiều quyền lợi khác. “Ví dụ, với nhà đầu tư condotel thì cần đảm bảo cho người sở hữu có quyền tự khai thác, phân quyền tài sản chung, riêng rõ ràng. Cần bảo hộ quyền tài sản của người đầu tư condotel thay vì phải phụ thuộc vào chủ đầu tư” - ông Hiển góp ý.

THÙY LINH