Trong bối cảnh bất động sản sở hữu lâu dài không đáp ứng đủ nhu cầu để ở và đầu tư, khách hàng đang dần chuyển sang xu hướng thuê nhà ở. Điều này vừa đáp ứng được nhu cầu di chuyển gần tới cơ quan làm việc và phù hợp với điều kiện sống hiện nay của đa số giới trẻ.
Thống kê của công ty TNHH CBRE Việt Nam cho thấy Hà Nội hiện có khoảng 11 triệu dân, Tp.HCM là 12 triệu dân, trong khi số căn hộ cũng chỉ khoảng 260.000 căn hộ, quá ít so với nhu cầu.
Với sự hạn chế về nguồn cung bất động sản (BĐS) sở hữu lâu dài như vậy, tại hai thành phố này, khách hàng trẻ đang có xu hướng chuyển sang thuê nhà để ở, thay vì sở hữu.
Cầu nhiều, cung ít
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, cho biết trong thời gian qua có nhiều sản phẩm trỗi dậy thay thế cho BĐS sở hữu lâu dài. Đối với BĐS nhà ở bán, hiện có 3 dòng sản phẩm: căn hộ, biệt thự, nhà phố.
Sản phẩm trên thị trường căn hộ để bán cho đến thời điểm hiện tại đều là sở hữu lâu dài (sở hữu vĩnh viễn). Bởi tâm lý người mua BĐS tại Việt Nam rất thích sản phẩm có sở hữu lâu dài, nên sức tiêu thụ trên thị trường cao.
Số liệu cho thấy năm 2008, tại 2 thị trường lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, nguồn cung chào bán là 15.000 căn hộ, số căn tiêu thụ là 8.000 căn nhưng đến năm 2018 tương ứng lên đến 63.000 căn và 55.000 căn.
Hiện tại, xu hướng tiêu dùng của người mua, nhà đầu tư vẫn là căn hộ sở hữu lâu dài. Khảo sát sơ bộ cho thấy có sự chuyển đổi khá lớn. Từ 2014 – 2016, số lượng người mua để đầu tư chiếm đến khoảng 65% so với 35% chỉ để ở.
Từ 2017 – 2018, khi có thêm nhiều sản phẩm nhà ở phân khúc trung cấp, quan niệm của người mua cởi mở hơn với chung cư, tỷ lệ mua để ở lên đến 45%. Nhu cầu người mua để ở tăng lên nhiều, mối quan tâm với các dự án chung cư cũng tăng lên. Tuy nhiên, con số được cung ra thị trường vẫn rất ít so với nhu cầu thực tế.
Theo thống kê của CBRE, tại TP. Hồ Chí Minh có đến 12 triệu dân, Hà Nội khoảng 11,12 triệu dân, trong khi số căn hộ chỉ khoảng 260.000 căn hộ.
“Con số quá ít so với nhu cầu, nguồn cung như vậy còn quá thấp, nên có dư địa rất lớn để phát triển thị trường. Các dự án có sở hữu lâu dài và vĩnh viễn, người mua cũng cần phải cân nhắc”, bà Dung nhấn mạnh.
Bà Dung cho biết 6 tháng đầu năm 2019, số lượng dự án chào bán ra sụt giảm nhất định so với cùng kỳ năm 2018, nếu mua để đầu tư thì bắt đầu có ít lựa chọn hơn. Sản phẩm thay thế là sản phẩm sở hữu có thời hạn bắt đầu nhận được sự quan tâm của người mua. Bên cạnh đó, khách hàng đang có xu hướng thuê căn hộ để ở, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ thuê đang gia tăng.
Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tại TP. Hồ Chí Minh lý giải về hiện tượng này là do tình trạng làm việc ở trung tâm, nhà ở tại các quận ven, giao thông ùn tắc thường xuyên, nên nhiều gia đình trẻ đã lựa chọn thuê nhà tại khu vực các quận trung tâm thay vì mua.
Cần thay đổi nhận thức
Hơn nữa, nhiều chuyên gia người nước ngoài cùng gia đình đến TP. Hồ Chí Minh làm việc nên cũng thuê nhà, bởi sở hữu nhà đối với người nước ngoài vẫn còn những rào cản nhất định, nên thuê là một giải pháp tốt.
Cùng góc nhìn trên, theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group, đầu tư BĐS là các sản phẩm chung cư hiện nay là kênh đầu tư không tốt.
Quan điểm của ông Hưng luôn cho rằng chung cư chỉ nên có quyền sở hữu có thời hạn, bởi bản thân nó là một sản phẩm tiêu dùng, như xe ô tô. Cho nên chung cư chủ yếu vẫn nên là sản phẩm phục vụ nhu cầu mua để ở, hoặc mua để khai thác cho thuê, còn nếu mua để đầu tư, chờ lên giá thì rất khó.
Bên cạnh đó, chung cư lại có yếu tố nữa là khấu hao, tỷ trọng tiền sử dụng đất đóng góp trong giá trị căn chung cư không lớn, vì thế với sự khấu hao của công trình xây dựng, giá chung cư về mặt lâu dài sẽ không phải là một sản phẩm đầu tư tốt, không có lời, thậm chí giá còn giảm. Tuy nhiên, đầu tư khai thác cho thuê lại là một kênh đầu tư khá tốt.
Nếu tính theo lãi suất ngân hàng, mua một căn chung cư 2 – 2,5 tỷ đồng, cho thuê được 8 – 10%/ năm, còn gửi ngân hàng 7%/năm, thì người dân vẫn lựa chọn mua nhà cho thuê.
“Nguyên nhân khiến việc cho thuê nhà lợi nhuận cao tại TP. Hồ Chí Minh là do việc đi lại quá vất vả, nên người dân có xu hướng thuê nhà thuận lợi hơn, nhu cầu thuê cao hơn nhu cầu mua, mua xong phải hoàn thiện, mất nhiều công sức”, ông Hưng lý giải.
Trước đó, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cũng cho biết việc sở hữu BĐS trên thế giới rất hạn chế, sản phẩm chủ yếu là thuê. Việt Nam cũng nên đi theo xu hướng này, bởi quỹ đất không còn nhiều, dân số ngày càng gia tăng, thuê là một giải pháp tốt nhất.
Tuy nhiên, theo ông Nam, để người dân thay đổi quan điểm từ sở hữu nhà sang thuê nhà là cả một quá trình, đòi hỏi ngay chính bản thân người dân phải tự nhìn nhận, đồng thời các cơ quan chức năng, truyền thông cần tuyên truyền nhiều hơn nữa về thuê nhà chứ không phải sở hữu nhà lâu dài.
Theo Phạm Minh/thoibaokinhdoanh.vn